Đầu tư
Kon Tum đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Linh Đan - 31/05/2023 09:40
Kon Tum ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, Khu Công nghiệp Sao Mai đã thu hút 4 dự án đầu tư hết diện tích đất sản xuất công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng là 41,7ha.

Hiện nay, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum đang phối hợp với UBND TP. Kon Tum tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại của Khu Công nghiệp Sao Mai.

Sau khi có quỹ đất sạch, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum sẽ tích cực thu hút các dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Sao Mai theo quy định hiện hành.

Đối với Cụm Tiểu thủ Công nghiệp Hòa Bình, để tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đồng thời hàng năm rà soát, bổ sung quy hoạch kịp thời, đúng quy định.

Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành có liên quan tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp, đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Ngày 2/8/2021, UBND tỉnh có chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Hòa Bình, TP. Kon Tum tại Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 2/8/2021 ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của UBND TP. Kon Tum, CCN-TTCN xã Hòa Bình đã được phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500), hiện nay cụm công nghiệp này có 4 công ty đang hoạt động sản xuất với tổng diện tích đất thuê khoảng 190.502,3m2; tỷ lệ lấp đầy khoảng 38%; tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong CCN là 57,9 tỷ đồng; số lao động hiện có khoảng hơn 100 lao động phổ thông; nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN năm 2022 khoảng 1,7 tỷ đồng.

Thời gian qua, sau khi giải tỏa các lò gạch thủ công, do kinh phí còn hạn chế, UBND TP. Kon Tum chưa bố trí kinh phí để san ủi mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, nên tỷ lệ lấp đầy tại cụm công nghiệp này chưa cao.

Bên cạnh đó, ngày 3/11/2022, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị chính quyền các huyện, thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quan tâm cân đối bố trí ngân sách, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của CCN.

Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với UBND TP. Kon Tum trong việc quản lý, đầu tư và phát triển CCN trên địa bàn; đề nghị UBND TP. Kon Tum ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.

Tin liên quan
Tin khác