Tỉnh Kon Tum sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. |
Hơn 97% doanh nghiệp thuộc diện vừa và nhỏ
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.992 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, có đến trên 97% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Vốn điều lệ bình quân/doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 7,18 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế bình quân/doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 0,33 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này vẫn đang thấp hơn mức trung bình của cả nước…
Nhìn chung, khả năng cạnh tranh của hầu hết doanh nhiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp; năng lực quản trị, điều hành kinh doanh hạn chế; năng suất lao động và giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng việc tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu; kỹ năng và tay nghề lao động trong các doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh vẫn còn hạn chế.
Xây dựng Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển
Một trong những vấn đề gây trở ngại cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Kon Tum hiện nay, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, là các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự phù hợp.
Các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay, thiếu tài sản đảm bảo. Các nguồn tài chính khác như Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum, tuy đã được thành lập, nhưng doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận, chưa kể, vốn của các quỹ này còn khá hạn hẹp. Công tác bố trí quỹ đất sạch phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quỹ đất sạch ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp…
Nhằm tháo gỡ những khó khăn này, tỉnh Kon Tum đã xây dựng Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp và hoạt động theo quy định của pháp luật, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 300 doanh nghiệp thành lập mới và đến hết năm 2025, toàn tỉnh sẽ có hơn 4.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 phấn đấu đạt 30 - 35%. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hướng dẫn, hỗ trợ để 100% doanh nghiệp nộp hồ sơ đề xuất có đủ điều kiện được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh.
Theo Đề án này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, bao gồm các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, nguồn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng; được hỗ trợ về công tác thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; được tư vấn, hỗ trợ miễn phí thủ tục pháp lý…
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả Đề án Cải thiện môi trường đầu tư; cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số: chi phí không chính thức, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước.
Ông Phan Văn Thế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum khẳng định, Kon Tum luôn trân trọng và coi doanh nghiệp là nhân tố không thể thiếu, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc gặp mặt nhằm biểu dương đóng góp của các doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe ý kiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách thiết thực, gần gũi với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường, xóa bỏ các loại chi phí không chính thức; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, an toàn, thật sự là nơi để doanh nghiệp đặt niềm tin và không ngừng phát triển”, ông Thế chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, năm 2018, toàn tỉnh có 247 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 1.774.5 tỷ đồng, tăng 8% về số lượng doanh nghiệp và 21,3 % về tổng vốn đăng ký so với năm 2017. Đóng góp của các doanh nghiệp vào thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2018 đạt 1.443,7 tỷ đồng, chiếm 50,3% tổng thu ngân sách.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, có 208 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 2.326 tỷ đồng, tăng 14,3% về số lượng và 82,6 % về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.