Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay, tỉnh này đang tạm dừng xem xét, khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch để đánh giá kỹ hơn tình hình thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện và các tác động đến môi trường, rừng.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 82 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 879,1MW.
Trong đó, tỉnh Kon Tum hiện đang đề nghị Bộ Công thương xem xét, thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với các dự án thủy điện: Đăk Ruồi 1, Đăk Man, Đăk Brot, Sông Tranh 1.
Riêng 2 nhà máy thủy điện lớn là Plei Krông (công suất 100 MW) và Thượng Kon Tum (công suất 220 MW) đã hoàn thành phát điện.
Đối với các dự án điện gió, tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển các dự án điện gió trên địa bàn để lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 2 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW. Theo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiềm năng phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh là 6.287,40 MW.
Đối với các dự án điện mặt trời, tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn để lập hồ sơ bổ sung quy hoạch trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch Điện VII đối với dự án Nhà máy điện mặt trời nổi Ialy Kon Tum (200MWp). Bộ Công Thương bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 (49MWp, đã đóng điện tháng 11/2020).
Hiện, Kon Tum đã đưa vào vận hành tổng cộng 1.444 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 161.196kWp, trong đó, có 159 dự án/hệ thống có công suất đặt ≥100 Wp và 1.285 dự án/hệ thống có công suất đặt <100kWp.
Theo Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiềm năng phát triển điện mặt trời của tỉnh là 18.702,4MW.
Ngoài ra, trên địa tỉnh có 1 máy phát điện sử dụng bã mía, công suất 1,5MW của Công ty cổ phần Đường Kon Tum, chủ yếu để cung cấp điện phục vụ sản xuất cho nhà máy đường Kon Tum.
Theo Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiềm năng phát triển điện sinh khối trên địa bàn tỉnh khoảng 172MW.