Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tăng cường công khai, minh bạch về cung cấp thông tin quy hoạch, các cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, kết quả giải quyết đơn thư, thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách, tài sản công…
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nâng cao chất lượng công tác kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân chậm thực hiện việc kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập…
Đặc biệt, các cơ quan kể trên phải triển khai hiệu quả quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, đồng bộ về đảng và hành chính đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm.
“Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Huyện ủy, Thành ủy kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng vặt”, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, xã hội hóa các dịch vụ công, tài chính, tự chủ tài chính, quy hoạch xây dựng… để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.