Theo UBND tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, công tác quản lý về đầu tư công trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao, cơ bản tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân của tỉnh đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đã đề ra, theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thực hiện đến hết 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh giải ngân chỉ đạt khoảng 50,4% kế hoạch vốn Trung ương giao, tỷ lệ giải ngân của tỉnh thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết niên độ ngân sách năm 2023, trong khi khối lượng vốn chưa giải ngân của tỉnh còn khá lớn. Do đó, để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Chủ tịch UBND tỉnh các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị khác được giao làm chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý, phụ trách triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo các chỉ đạo của Trung ương; đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên,
nguyên vật liệu, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ tiến độ thi công, yêu cầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ các dự án; tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó sớm phê duyệt giá đất cụ thể và chú trọng công tác vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân; kiên quyết xử lý những đối tượng không chấp hành, cản trở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và họp trực tuyến để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, công chức ở các cấp cơ sở để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và hiệu quả công tác thực thi công vụ bằng hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa bàn, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị khác được giao làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm giải ngân kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023 dẫn đến không hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao; không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh thường xuyên theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các đơn vị, địa phương, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp điều hành linh hoạt, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.