Đầu tư
Kỷ lục: Dự án đường Nhật Tân - Nội Bài vốn 6.742 tỷ, chỉ phải thu hồi hơn 20 triệu đồng
Anh Minh - 16/10/2015 08:11
Tổng số tiền phải xử lý tài chính đối với chi phí đầu tư thực hiện Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân chỉ dừng ở con số hơn 1,768 tỷ đồng, trong đó có thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước là 20,28 triệu đồng

Đây là kiến nghị của Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân vừa được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Cụ thể, KTNN yêu cầu đơn vị quản lý dự án (Ban Quản lý dự án 85) phải thực hiện xử lý tài chính đối với chi phí đầu tư thực hiện Dự án tính đến ngày 31/12/2014 là khoảng 1,768 tỷ đồng, gồm thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước là 20,28 triệu đồng; giảm trừ 1,748 tỷ đồng.

Với tổng mức đầu tư Dự án lên tới 6.742 tỷ đồng, số tiền cần phải xử lý tại công trình hạ tầng trọng điểm nói trên, trong chừng mực nào đó cho thấy, công tác quản lý, triển khai Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân đã được thực hiện tương đối tốt.

KTNN yêu cầu đơn vị quản lý dự án (Ban Quản lý dự án 85) phải thực hiện xử lý tài chính đối với chi phí đầu tư thực hiện Dự án tính đến ngày 31/12/2014 là khoảng 1,768 tỷ đồng

Cần phải nói thêm rằng, Dự án trên đã được thông xe vào tháng 1/2015 và là công trình sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với Sân bay Nội Bài, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại.

Dự án có tổng chiều dài tuyến là 12,1 km, trong đó phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế V=80 Km/h. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô V=40 Km/h.

Cho dù công tác tổ chức quản lý, triển khai thi công được đánh giá là khá bài bản, chuyên nghiệp, nhưng Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân vẫn để xảy ra một số sai sót, hạn chế, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

Theo KTNN, hạn chế lớn nhất của Dự án chính là tiến độ thi công của hầu hết các gói thầu được kiểm toán chậm so với tiến độ quy định trong hợp đồng ban đầu. Cụ thể, Gói thầu số 1 chậm 11,5 tháng; gói thầu số 2 và số 3 chậm 3,5 tháng; gói thầu số 4 chậm 1 tháng.

Ngoài việc phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế, thì thời gian xin phép sử dụng đường Nguyên Khê để vận chuyển vật liệu kéo dài (gói thầu số 2); công tác giải phóng mặt bằng (gói thầu số 2, 3, 4, 5); năng lực điều hành, quản lý công trình của nhà thầu chính và năng lực tài chính, tổ chức thi công của các đơn vị thầu phụ chưa chuyên nghiệp (gói thầu số 2)… là những nguyên nhân chính là ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn dự án.

KTNN yêu cầu Bộ GTVT thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan đến những tồn tại, đặc biệt là công tác lập, thẩm tra, thậm định dự toán. Kiểm toán còn cho rằng, công tác lập, kiểm soát dự toán chưa chính xác đã làm tăng giá trị dự toán 31,7 tỷ đồng; áp dụng định mức thi công cọc cát cho công tác thi công giếng cát.

Đối với các sai sót tại Dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước.

Liên quan tới việc áp dụng định mức cọc cát – công tác thi công đang gây ra sự tranh cãi rất lớn giữa cơ quan kiểm soát vốn và đơn vị thi công, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu để sớm công bố định mức giếng cát.

“Trong khi chưa xây dựng được định mức, Bộ Xây dựng cần hướng dẫn các bộ ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải lưu ý việc áp dụng định mức thi công giếng cát trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán để kịp thời ngăn chặn nguy cơ thất thoát, lãng phí vốn đầu tư”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng KTNN đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác