Kỷ lục mới và những cú tăng tốc ngoạn mục
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 10 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt trên 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số này, vốn đăng ký mới là 16,3 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2016; vốn tăng thêm là 7,27 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2016; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 4,67 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2016.
Các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đều là của các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Trong ảnh: Dự án Samsung Display (Hàn Quốc). Ảnh: Chí Cường |
Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, đầu tháng 10/2017, khi gửi báo cáo tới Hội nghị Trung ương 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự ước rằng, năm nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ đạt khoảng 28 tỷ USD. Đây là một con số đã có thể coi là kỷ lục trong những năm gần đây, thậm chí đã cao hơn kế hoạch đề ra (25 tỷ USD) tới 12%. Song, thật bất ngờ, chỉ 1 tháng sau, dự báo đã bị “xô đổ”.
Mười tháng kết quả đã khả quan như vậy thì cả năm, con số có thể lên tới 30 tỷ USD, thậm chí cao hơn. Và chắc chắn năm 2017 sẽ trở thành một trong những năm thành công nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài kể từ trước tới nay.
Có một điểm rất dễ nhận thấy trong thu hút đầu tư nước ngoài năm nay, đó là khả năng tăng tốc rất lớn, bất chấp những dự báo đưa ra từ cuối năm 2016 cũng như đầu năm 2017, như việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có nguy cơ đổ bể, cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực tới việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Thậm chí, tất cả đều đi ngược dự đoán.
Trong 10 tháng qua, có những tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bứt lên rất nhanh, phần lớn nhờ những dự án quy mô lớn. Chẳng hạn, tháng 3/2017, vốn đăng ký tăng thêm là 3,18 tỷ USD. Trong khi đó, tháng 6/2017, chỉ riêng vốn đăng ký mới đã là 6,24 tỷ USD. Tháng 4, vốn đăng ký mới cũng suýt soát con số 2 tỷ USD, còn tháng 10, là trên 1,74 tỷ USD.
Đấy là nói về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn đầu tư gián tiếp cũng có những bước tăng trưởng ngoạn mục. Tháng 4/2017, sau khi FED điều chỉnh lãi suất USD, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã thốt lên rằng, ông đã rất ngạc nhiên khi dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Rất nhiều quỹ đầu tư đã tiếp tục đổ vốn vào thị trường, và lý do có lẽ là vì nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư khi chính sách của Mỹ còn nhiều bất định.
Xu hướng này cũng đã thể hiện khá rõ qua con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/10, đã có 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn là 4,67 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2016.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khi phân tích tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm tới nay cũng đã nhấn mạnh xu hướng đặc biệt, với sự gia tăng rất nhanh của hình thức góp vốn và mua cổ phần. “Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới của Chính phủ Việt Nam”, ông Quang nói.
Dấu ấn APEC
Dấu ấn của các nền kinh tế thành viên APEC trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã được khẳng định lâu nay, bởi các nền kinh tế này đã đóng góp tới 78% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng 10 tháng qua, thì dấu ấn ấy còn mạnh và ấn tượng hơn nữa.
Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tất cả các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đều là của các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. Từ Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD (Nhật Bản) đến Samsung Display, tăng thêm 2,5 tỷ USD (Hàn Quốc); rồi Nhiệt điện BOT Nam Định, 2,07 tỷ USD (Singapore); Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, 1,27 tỷ USD (Nhật Bản); hay Polytex Far Eastern (Đài Bắc - Trung Hoa)…
Tháng 10/2017 cũng đã ghi nhận thêm một dự án quy mô lớn nữa đầu tư vào Việt Nam. Đó là Dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vốn đăng ký gần 886 triệu USD. Đây chính là dự án của liên danh các nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Và nhờ dự án này, Hàn Quốc tiếp tục đứng đầu trong số các nền kinh tế thành viên APEC đầu tư vào Việt Nam.
10 tháng qua, hầu như tất cả các vị trí hàng đầu trong “bảng tổng sắp” các nền kinh tế có đầu tư lớn vào Việt Nam đều có bóng dáng nhà đầu tư APEC. Hàn Quốc đứng hàng đầu, với tổng vốn đầu tư 7,62 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ hai, với 6,07 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với 4,59 tỷ USD. Chưa kể, còn Trung Quốc, với 1,8 tỷ USD; Hồng Công - Trung Quốc, với 1,3 tỷ USD; Đài Bắc - Trung Hoa, với 1,26 tỷ USD…
Tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua của các nền kinh tế thành viên APEC đã lên tới 24 tỷ USD, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chứ không còn chỉ là 78%. Đó là mức đóng góp có thể nói là vô cùng ấn tượng. Động thái này cũng đang chứng minh, với việc là nước chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam đang có những cơ hội vàng để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển đã từng bày tỏ kỳ vọng rằng, APEC 2017 sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới trong tương lai, tương tự như APEC 18 được tổ chức tại Việt Nam năm 2006 đã tạo ra sự “thần kỳ” cho hoạt động thương mại, đầu tư của thế giới. Việt Nam đương nhiên được hưởng lợi từ sự “thần kỳ” này và điều đó sẽ mang lại cơ hội rất lớn để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư từ các thành viên APEC. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì nhận định, Việt Nam đang đứng trước một viễn cảnh to lớn về việc thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư có chất lượng từ APEC.