"Kỳ nghỉ" bất đắc dĩ
Cuối giờ chiều nay (21/2), Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP.Hà Nội dự kiến sẽ họp xem xét và ra quyết định về việc tuần tới, học sinh sẽ đi học trở lại hay tiếp tục nghỉ.
Trong khi phần lớn các địa phương đã chốt phương án cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2 trước diễn biến khó lường của dịch bệnh do virus Covid-19, thì Hà Nội là một trong 9 địa phương tỏ ra “thận trọng” và mới chỉ cho nghỉ đến ngày 23/2.
Theo văn bản đóng dấu Khẩn được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP.HCM kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019 - 2020 với lý do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định.
Trước kiến nghị của TP.HCM, trong khi các gia đình có điều kiện trông giữ con gần 1 tháng nay cảm thấy bình thường và cảm thấy yên tâm, thì với đại đa số những ông bố, bà mẹ ngày ngày vẫn phải đến cơ quan, nhà xưởng… nỗi lo lắng càng thêm chồng chất vì không biết tiếp tục gửi con ở đâu. Câu chuyện nghỉ hay học vì thế đã nổ ra cuộc tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Zing) |
Nếu như các trường tư "khóc ròng" vì không có nguồn thu trong khi vẫn duy trì các khoản chi như bình thường, thì nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ lại lo lắng ảnh hưởng công việc vì phải thay phiên nhau ở nhà trông con.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, cô L.M, Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hà Nội thì các con đã có thể quay lại trường học. Quan trọng là cả phía gia đình và nhà trường đều phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng tránh cho các con.
Trong khi đó, chia sẻ nhanh với phóng viên khi đang cùng các thầy cô soạn giáo trình dạy học trực tuyến, thầy N.C, Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Đống Đa bày tỏ, quãng thời gian vừa rồi quả thực là “kỳ nghỉ hè bất đắc dĩ” của học sinh. Đa số các phụ huynh đều có nguyện vọng, khi công bố hết dịch hoặc hệ số an toàn cao mới yên tâm cho con quay trở lại trường.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, những vị phụ huynh có con năm nay thi THPT quốc gia cho rằng, nếu nghỉ hết tháng 3 và học kỳ II kéo dài hết tháng 7, sau đó thi THPT quốc gia ngay là quá sức với các em học sinh. Bên cạnh đó, nhiều vị phụ huynh cũng cho rằng kỳ nghỉ quá lâu sẽ khiến các em học sinh trở nên “lười” hơn khi quay trở lại trường học.
Theo các số liệu thống kê, năm học 2019 - 2020, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Hà Nội và TP.HCM có số học sinh đông nhất, khoảng 2 triệu. Hơn 800.000 học sinh dự kiến đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Xem xét kinh nghiệm thế giới
Kể từ khi bùng phát dịch, Việt Nam có 16 ca dương tính với virus Covid-19, 14 người trong số đó đã được điều trị khỏi, theo số liệu từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 12h ngày 20/02, thành phố không còn trường hợp cách ly theo dõi chặt chẽ với dịch bệnh Covid-19. 74 ca ca nghi nhiễm đến nay đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Vì lẽ đó mà UBND TP.Hà Nội khá thận trọng trong việc nới rộng thời gian nghỉ học cho học sinh, mà chỉ đưa ra quyết định vào ngày thứ Sáu từng tuần.
Số người mắc bệnh tại Việt Nam ít hơn rất nhiều so với 85 người mắc tại Nhật Bản, 84 người mắc tại Singapore, 35 người mắc tại Thái Lan, 82 người mắc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nước này đều cho học sinh đi học và chỉ nghỉ ở những vùng đã có dịch. Cùng với đó, phương pháp phòng bệnh tại trường học chủ yếu là nước chỉ phun khử trùng trong trường và kiểm tra thân nhiệt học sinh; cho học sinh có dấu hiệu ốm nghỉ học chứ không bắt các em đeo khẩu trang.
Một số quốc gia khác cũng duy trì hoạt động giảng dạy bình thường dù đã ghi nhận ca nhiễm bệnh như Malaysia (22 ca), Australia (15 ca). Pháp cũng chỉ đóng cửa hai trường học gần khu trượt tuyết sau khi 5 du khách người Anh đến đây dương tính với virus Covid-19.
Từ cách làm của thế giới, tại cuộc họp ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu nhân dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu để đề xuất phương án chia năm học thành 4 kỳ học và cho học sinh nghỉ xen kẽ giữa các học kỳ như nhiều nước trên thế giới. Theo ông Chung, phương án này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, du lịch… và phần nào điều tiết giao thông tại Thủ đô.
Trên cương vị là vừa người làm sư phạm, vừa là một phụ huynh có 2 con đang học tiểu học và mầm non, cô L.M chỉ ra những ảnh hưởng khi học sinh bị nghỉ quá lâu, đó là thay đổi gần như toàn bộ nếp sinh hoạt học tập của trẻ, từ mẫu giáo cho đến các cấp học cao hơn.
“Không phải bố mẹ nào cũng có khả năng ở nhà kèm cặp con, cho vào đúng khuôn khổ như lúc đi học được”, cô L.M nói.
Bên cạnh đó, việc nghỉ học nhưng lại bị “nhốt” trong nhà khiến cho trẻ bị bí bách, thiếu không gian vui chơi, nếu để lâu dài sẽ làm thay đổi tính tình của trẻ. Có nhiều gia đình sẽ bù đắp bằng cách cho con xem tivi, điện thoại... như vậy còn nguy hiểm hơn, cô L.M khuyến cáo.
Thứ ba là khi các con quay trở lại trường học, cả phía gia đình và nhà trường sẽ tốn nhiều công sức để giúp con quen lại với nếp sinh hoạt học tập.
Về biện pháp phòng tránh, điều cô giáo này quan tâm nhất chính là việc các gia đình có đảm bảo tuyệt đối việc giữ gìn cho con hay không, bởi không phải các bậc phụ huynh nào cũng cẩn thận tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trong thang máy hay trên xe bus.