Đầu tư
Kỷ nguyên mới trong thu hút FDI vào Việt Nam
Nguyên Đức - 26/08/2019 08:44
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
Vốn FDI đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Tín hiệu tốt lành

Một cách hồ hởi, một nhà đầu tư nước ngoài đã nói với phóng viên Báo Đầu tư rằng, ông rất vui khi nhận thông tin Bộ Chính trị đã chính thức ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. “Đây là điều tôi đã chờ đợi từ lâu”, vị này nói.

Thực tế, sau Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI, ngay khi có thông tin cho biết, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị thông qua một nghị quyết riêng về vấn đề này, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm đến việc khi nào nghị quyết này chính thức được ban hành. Các nhà đầu tư quan tâm bởi muốn biết, liệu các định hướng mới này có ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của họ tại Việt Nam hay không?

Quan tâm và chờ đợi từ lâu, nên ngay khi Nghị quyết 50/NQ-TW chính thức được ban hành, nhà đầu tư nói trên đã yêu cầu cán bộ dịch ngay toàn văn Nghị quyết và đặt lên bàn mình. Chưa nghiên cứu thật kỹ, song vị này khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã cho biết, ông đồng tình với những định hướng chiến lược quan trọng mà Việt Nam đã vạch ra trong thu hút FDI giai đoạn tới, kể cả những vấn đề mà chắc chắn không ít nhà đầu tư không thích, như hậu kiểm chặt chẽ các cơ chế ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng, nếu không thực hiện đúng cam kết thì sẽ bị “cắt” các ưu đãi đó.

“Đây là một tin tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài chân chính”, vị này nói.

Theo nhận định của nhà đầu tư này, việc Bộ Chính trị Việt Nam ban hành Nghị quyết về thu hút FDI là một tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Trong khi đó, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cũng cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, là “ngôi sao đang lên”, nên rất cần thiết phải đặt ra các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng các dự án FDI. “Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam cũng luôn phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về công nghệ, vốn, lao động…, làm sao mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho dự án tại Việt Nam”, ông Adam Sitkoff nói.

Trên thực tế, việc Việt Nam xây dựng định hướng chiến lược mới về thu hút FDI xuất phát trước tiên từ những đòi hỏi nội tại của nền kinh tế, nhưng cũng là xuất phát từ tư vấn chính sách của chính các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) là những đơn vị phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam xây dựng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới. Bởi vậy, khi Bộ Chính trị, Chính phủ Việt Nam gửi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài thông qua một nghị quyết chính thức, nhà đầu tư nước ngoài đã hồ hởi đón nhận. Họ biết phải làm gì tiếp theo để được lựa chọn trở thành “một bộ phận hợp thành quan trọng” của nền kinh tế Việt Nam.

Kỷ nguyên mới trong thu hút FDI

Khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút FDI, câu chuyện về một “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI đã được nhắc tới. Bây giờ, không còn là kỳ vọng hay kế hoạch, mà “kỷ nguyên mới” đó dường như đã gần với hiện thực hơn, khi Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị không chỉ vạch ra mục tiêu về số lượng, mà cả chất lượng của dòng vốn FDI trong giai đoạn tới.

Thực hiện Nghị quyết, không chỉ số lượng, mà chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI sẽ nâng lên một bậc, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá.

Sau 30 năm thu hút FDI, bên cạnh những thành tựu quan trọng, thì những tồn tại, hạn chế của FDI cũng được nhắc tới nhiều. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ ra, như chuyện chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, đầu tư núp bóng, vốn mỏng… Nhưng nay, sẽ không có “cửa” cho các dự án như vậy, bởi lẽ, Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện thể chế, chính sách để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Chuyện đảm bảo an ninh, quốc phòng đã được nhấn mạnh.

Chưa kể, cũng theo Nghị quyết, phải sàng lọc kỹ dự án, chống chuyển giá ngay từ khâu thành lập, rồi không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên…

Quan trọng hơn, Nghị quyết đã chỉ rõ những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới, đó là các dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai, các dự án của các tập đoàn lớn…

“Với việc thực hiện Nghị quyết, hàm lượng chất lượng của các dự án FDI sẽ tốt hơn. Các cơ quan nhà nước sẽ tham chiếu chặt chẽ các quy định, tiêu chí đã đặt ra trong Nghị quyết, cả về công nghệ, về an ninh quốc phòng… để lựa chọn các dự án tốt”, ông An Hoàng Hà, luật sư cao cấp, Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer nói.

Có cùng quan điểm, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte cho rằng, những định hướng, chính sách quan trọng được đề ra trong Nghị quyết 50/NQ-TW, như tập trung vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, không ảnh hưởng tới môi trường, ít tiêu hao các tài nguyên trong nước… sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Ở chiều ngược lại, ông Tuấn cũng cho rằng, cùng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Nghị quyết 50/NQ-TW nhấn mạnh việc ngoại trừ các lĩnh vực hạn chế đầu tư, cam kết đối xử bình đẳng, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đây cũng chính là điều khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, chờ đợi. Đõ cũng là lý do khiến họ cam kết tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển. Họ đồng hành với Việt Nam để cùng mang tới một kỷ nguyên mới của dòng vốn FDI tại Việt Nam.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư chất lượng hơn, mang lại nhiều giá trị hơn

Ông Bruno Angelet, nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Tôi đã sống ở Việt Nam trong nhiều năm và thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia rất thành công trong thu hút FDI, khi dòng vốn này tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Năm 1987, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Luật Đầu tư nước ngoài và FDI đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế chủ đạo và đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình ở mức 6,5 - 7%/năm của Việt Nam trong suốt thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, sau 30 năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư chất lượng hơn, mang lại nhiều giá trị hơn cho đất nước, tạo ra việc làm chuyên môn cao hơn cũng như hỗ trợ chính sách phát triển bền vững của Chính phủ về môi trường và xã hội.

FDI hỗ trợ rất nhiều trong việc hiện đại hóa nền kinh tế

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

FDI đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn vào sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Trong quá khứ, khi các doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực và kinh nghiệm để tự mình thực hiện một dự án hiện đại, thì dự án FDI đã hỗ trợ rất nhiều trong việc hiện đại hóa nền kinh tế.

Bên cạnh đó, FDI mang lại bí quyết, công nghệ, kỹ năng mới cho nhân lực Việt Nam.

Tôi có thể nói rằng, nhà đầu tư Đức luôn quan tâm đến việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Đức là nền kinh tế hướng đến xuất khẩu và có mạng lưới đối tác kinh tế rộng lớn. Các doanh nghiệp Đức có mặt tại nhiều thị trường tiềm năng, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam

Việt Nam đã rất thành công trong thu hút các vốn FDI chất lượng vào lĩnh vực bất động sản và sản xuất. Trong lĩnh vực bất động sản, các chủ đầu tư lớn của Singapore như Keppel Land, CapitaLand, Sembcorp và Mapletree đều đã tham gia và có đóng góp đáng kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước đến nay.

Làn sóng đầu tư tiếp theo đến từ nhóm đầu tư Hàn Quốc với các tên tuổi lớn như GS E&C và Lotte. Đã có một số các chủ đầu tư đến từ Malaysia cũng đã thành công tại Việt Nam, như Gamuda và SP Setia, hay ParkCity Holding.

Gần đây, nhà đầu tư Nhật Bản tỏ rõ mối quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam.

Phú Mỹ Hưng đã từng là đơn vị tiên phong trong mảng phát triển khu đô thị và là một minh chứng thành công rõ ràng cho giá trị đạt được từ tầm nhìn phát triển.

Cam kết tăng cường hiện diện tại Việt Nam

Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land (Vietnam)

Mặc dù có những bất ổn trên phạm vi toàn cầu, song chúng tôi vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam và cam kết tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình tại Việt Nam, tập trung vào TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài như Keppel Land luôn nỗ lực mang đến thị trường những công nghệ đột phá, kỹ thuật tiên tiến và những phương thức tối ưu. Trong bối cảnh kinh tế và công nghệ đổi thay nhanh chóng, việc theo đuổi các dự án với hàm lượng vốn cao như thế đòi hỏi các nhà đầu tư phải luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro của thị trường.

Chúng tôi rất vui vì chính quyền TP.HCM đã rất ủng hộ các nhà đầu tư và tạo môi trường thuận lợi. Hy vọng, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu rủi ro đầu tư và hoạt động thông qua sự rõ ràng của các chính sách
Tin liên quan
Tin khác