Tại Lễ kỷ niệm, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên cùng các đại biểu tham dự đã ôn lại các giai đoạn phát triển của Phú Yên 46 năm sau ngày giải phóng. Diễn văn có đoạn: “từ những ruộng đồng hoang hóa đầy bom mìn, những đống tro tàn của xóm làng, thôn, buôn sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh Phú Yên phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên ôn lại quá trình 410 năm hình thành, phát triển; 46 năm ngày giải phóng tỉnh Phú Yên |
Diễn văn cũng nêu: Phú Yên đã trải qua 410 năm hình thành và phát triển, biết bao thế hệ tiền nhân đã từng đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu để bảo vệ, dựng xây, tô điểm vùng đất này ngày càng giàu đẹp…
Trải qua bao thăng trầm và biến đổi, Phú Yên hôm nay đang từng ngày đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kinh tế tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, kết nối thông suốt với các tỉnh lân cận…
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được đổi mới, nâng cao. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng, triển khai có hiệu quả, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định.
Đón bằng di tích đặc biệt quốc gia Gành Đá Đĩa |
Hiện nay, du lịch đã và đang trên đà phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh Phú Yên. Các di tích, danh thắng như Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn, Hòn Yến, Vịnh Xuân Đài, Vũng Rô… đang là điểm đến mới và thu hút du khách trong hành trình du lịch qua dải đất miền Trung.
Đặc biệt, vào năm 2017, Nghệ thuật Bài chòi của 10 tỉnh Trung bộ, trong đó có Phú Yên được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; năm 2018, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
“Và hôm nay, tỉnh Phú Yên rất vinh dự được đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa - một danh thắng thiên nhiên độc đáo và được xem là “độc nhất vô nhị” ở nước ta. Gành Đá Đĩa là khu vực có điều kiện địa chất mang tính đặc thù với loại đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, hình lục giác phân bố trên một diện tích tương đối rộng bên bờ biển”- Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Gành Đá Đĩa |
Theo một số chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một vài địa điểm cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắc Nông, Quảng Ngãi. Tuy nhiên bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở Gành Đá Đĩa. Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển. Đó chính là những điều kiện quan trọng để du lịch Phú Yên phát triển một cách bền vững.