Đầu tư và cuộc sống
Kỹ sư chế máy lọc nước biển thành nước ngọt và hành trình "vì biển, đảo quê hương”
Hồ Hạ - 25/03/2021 14:19
Điều hạnh phúc nhất các thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” (CLB) nhận được chính là hình ảnh những người lính đảo lan tỏa rộng khắp và được quan tâm nhiều hơn.

Từ đó, mỗi người con đất Việt có khát khao, hoài bão, nỗ lực học tập, cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội.

Anh Trần Vũ Thành (bên trái) đã 9 lần đến với Trường Sa.

Huyện đất liền có hàng chục cột mốc chủ quyền biển đảo

Thiết thực kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), ngày 22/3, Huyện đoàn Cẩm Khê phối hợp cùng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khánh thành công trình mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa bằng nguồn xã hội hóa, tại trường Tiểu học Hương Lung, xã Hương Lung (Cẩm Khê, Phú Thọ) trong niềm hân hoan của hàng trăm học sinh.

Đây là mô hình cột mốc biển đảo thứ 24 tại 24 trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm của các em học sinh. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở Việt Nam, có lẽ duy nhất huyện Cẩm Khê ở đất tổ Vua Hùng, địa phương không có biển, không có đảo, không có đường biên giới nhưng có số lượng cột mốc chủ quyền biển đảo nhiều tương đương huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Công trình mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa, tại trường Tiểu học Hương Lung, xã Hương Lung (Cẩm Khê, Phú Thọ) vừa khánh thành ngày 22/3.

Góp phần truyền cảm hứng cho huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình cột mốc biển đảo tại các trường học thời gian gần đây phải kể tới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền huyện Cẩm Khê, những nỗ lực tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của quân dân Trường Sa của CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

Kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ môi trường SYL, Chủ nhiệm CLB cho biết, dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2020, Trường Tiểu học Yên Tập (Cẩm Khê, Phú Thọ) tổ chức hoạt động tuyên truyền hướng về biển, đảo Tổ quốc, về những người lính Hải quân. CLB đã phối hợp với nhà trường tổ chức triển lãm ảnh về biển, đảo Trường Sa và nói chuyện với các em học sinh và trồng cây bàng vuông (giống cây biểu tượng của Trường Sa) tại sân trường.

Công trình mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa, tại Trường Tiểu học Yên Tập. Ảnh: Trần Thành 

“Khi tôi đặt câu hỏi với khoảng 400 học sinh của trường, vào dịp nghỉ hè ai từng được bố mẹ cho đi biển, chỉ khoảng chục cánh tay giơ lên. Tôi nhấn mạnh, ở các địa phương không biển, đảo như Phú Thọ, càng cần thiết phải có những phương thức trực quan, sinh động như mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo tại trường học để thế hệ mầm non tương lai của đất nước biết rằng, Việt Nam không chỉ dài mà còn rất rộng lớn. Ngoài khơi xa, đang có những người lính ngày đêm canh giữ, các anh hy sinh hạnh phúc riêng tư vì sự bình yên Tổ quốc”, anh Thành kể.

Anh vui mừng cho biết: “Một tuần sau đó, Phòng GD&ĐT huyện đã đề nghị tổ chức lại hoạt động tuyên truyền ở quy mô lớn hơn tại trường THCS Sông Thao (Cẩm Khê). Tại đây, lãnh đạo huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo 36 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn, dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mỗi trường xây dựng một mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo. Từ đó đến nay, huyện đã khánh thành hơn 20 công trình bằng nguồn xã hội hóa. Đây là quyết tâm không nhỏ của các nhà trường, phụ huynh, Đoàn thanh niên và Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê”.

Hoạt động triển lãm ảnh về biển, đảo Trường Sa và nói chuyện với các em học sinh, trồng cây bàng vuông (giống cây biểu tượng của Trường Sa) tại sân trường Tiểu học Yên Tập của CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương". Ảnh: Trần Thành 

Cô giáo Đinh Thị Đoàn, Hiệu trường Tiểu học Yên Tập cho biết: “Từ mô hình này, các em trong trường thường xuyên được thầy cô giới thiệu, tuyên truyền các kiến thức về biển đảo. Bên cạnh đó, có thể tích hợp để dậy và học các kiến thức về biển đảo và chủ quyền về biển đảo trong nhiều môn học khác như Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý… Qua đó, mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, đem những kiến thức đã được học giới thiệu với người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, qua đó giúp lan tỏa sâu rộng tình yêu biển đảo”.

Hạnh phúc khi lan tỏa hình ảnh người lính đảo

Còn nhớ, trên hành trình đến với Trường Sa của đoàn công tác số 4 năm 2019, tôi được kỹ sư Trần Vũ Thành kể cho nghe nhiều hoạt động của CLB. Năm 2015, anh Thành trở lại Trường Sa lần thứ hai để lắp đặt chiếc máy lọc nước biển đầu tiên tại đảo Trường Sa Đông. Hai năm liên tiếp đến với Trường Sa trong Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” của Trung ương Đoàn là nhân duyên anh xin thành lập CLB.

Ảnh: Trần Thành 

Anh Thành bộc bạch: “Sở dĩ tôi muốn thành lập CLB vì nhìn thấy rất nhiều tấm lòng ở đất liền đã và đang hướng về biển đảo. Mỗi hành trình đến với Trường Sa có khoảng 200 người. Sau khi kết thúc hành trình, họ vẫn mong muốn tiếp tục được làm những điều có ý nghĩa cho biển đảo. Nhiều Ban liên lạc của các đoàn công tác được thành lập nhưng dần dần rơi rụng vì mỗi người đều có công việc riêng. Tôi nghĩ, nếu có một CLB để tất mọi người sinh hoạt chung sẽ tạo nên những giá trị to lớn, bền lâu”.

CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là tổ chức xã hội tự nguyện, nơi sinh hoạt của các cá nhân, doanh nhân từng tới thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; đoàn viên, thanh niên có tình yêu và những hành động thiết thực hướng về biển, đảo quê hương. Đến nay, CLB đã có hơn 100 hội viên cốt cán hoạt động thường xuyên và hơn 800 thành viên liên kết nhóm tham gia.

Ảnh: Trần Thành.

Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc nghiên cứu, triển khai nhiều công trình thiết thực, như: Chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt tặng các đảo, nhà giàn, các tàu làm nhiệm vụ trên biển; công nghệ vi sinh xử lý môi trường rác thải hữu cơ (xử lý mùi chuồng trại chăn nuôi, xử lý chất thải hữu cơ thành mùn đất, diệt khuẩn); máy ép rác C-Sea xử lý rác thải vô cơ…

Nhờ sự năng động của Chủ nhiệm Trần Vũ Thành, CLB còn tổ chức nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa, như: “Chăm lo hậu phương-Vững lòng biển đảo”, “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, tặng quà con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên biển, đảo nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người thân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện Trung ương…

Chỉ tính riêng năm 2020, thực hiện Chương trình “Xuân biên giới-Tết hải đảo”, CLB đã vận động, tiếp nhận gần 4.000 suất quà từ khắp mọi miền đất nước trao tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, đảo. Chương trình “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, biểu diễn nghệ thuật và trao 100 suất học bổng, 4.000 suất quà tặng con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo.

Ảnh: Trần Thành.

Đó là những món quà, tấm lòng của đồng bào cả nước cổ vũ, động viên quân dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc. Hằng năm, CLB còn thực hiện Chương trình “Trường Sa xanh”, tặng hàng nghìn cây xanh, hoa, hạt giống, đất trồng… cho các đảo.

Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, CLB đã tiếp nhận rất nhiều thư, thiệp chúc Tết của các em học sinh trên khắp vùng miền Tổ quốc gửi tới bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1. Có thể kể đến các đơn vị phát động diện rộng như huyện Văn Giang, (Hưng Yên), Cẩm Khê (Phú Thọ).

Ngoài ra, còn có những tỉnh xa như Kon Tum, Tuyên Quang gửi thư, thiếp về CLB. Tình cảm của các em học sinh năm nay phủ kín một vùng biển rộng lớn từ quần đảo Trường Sa cho đến các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Một trong những bức ảnh đang được CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” triển lãm trong chương trình "Không gian biển đảo quê hương", tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Anh Thành tâm sự: “Trong các chuyến đi hằng năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều những hình ảnh bộ đội trên các đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn DK1 đọc thư từ đất liền. Có những nét chữ đơn sơ của các em học sinh lớp 1, đến những nét chữ rất đẹp của các em học sinh cấp 2, cấp 3, hay những cánh thiệp vô cùng rực rỡ.

Tôi đã chứng kiến một cánh thiệp từ học sinh tỉnh Thái Nguyên gửi tới đảo Thuyền Chài B. Khi mở cánh thiệp thì một bông hoa bàng vuông đang nở dần theo chiều mở của thiệp. Một chiếc thiệp 3D khiến chàng lính mới trên đảo phải trầm trồ. Bởi ngay cả anh cũng chưa từng được nhìn thấy một bông hoa bàng vuông ngoài thực tế vì đảo chìm vốn không có cây bàng vuông”.

Vị doanh nhân nặng lòng với Trường Sa chia sẻ, ngày Tết, chính trị viên các đảo cho bộ đội sinh hoạt đầu xuân, đó là khoảng thời gian các cán bộ, chiến sĩ được nghỉ ngơi đôi chút.

Trong giờ khắc ấy, những cánh thư, thiếp như giúp các anh “bay thẳng” về đất liền, hay đưa các anh đến với một vùng đất mới như lời tâm sự của một người lính quê ở Sóc Trăng: “Em chưa từng được ra bắc, chưa từng được đến Thái Nguyên. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, nhất định em sẽ tìm đến Trường THPT Ngô Quyền để tìm người em gái viết thư này”.

Những năm qua, CLB đã tổ chức hàng ngàn hoạt động tuyên truyền thông qua những hình thức sinh động giúp đồng bào cả nước nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của quân dân Trường Sa.

Vào mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm, CLB đều tổ chức hàng chục hoạt động như: Xuất bản bộ bưu thiếp "Sắc màu Trường Sa", “Sức sống Trường Sa”; triển lãm ảnh "Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội", “Khát vọng tuổi trẻ-ươm mầm đảo xanh", “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương", “Nơi đầu sóng”...

Kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ môi trường SYL, Chủ nhiệm CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương".

Đầu năm 2019, CLB còn đưa triển lãm “Biển, đảo quê hương” sang Paris (Pháp), trong khuôn khổ Hội nghị người Việt có tầm ảnh hưởng, do Bộ Ngoại giao chủ trì. Trong đó, riêng doanh nhân Trần Vũ Thành, sau 9 lần đến với Trường Sa, với niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, anh đã chụp hàng nghìn bức ảnh và tham gia vào hầu hết các triển lãm ảnh về biển, đảo quê hương do CLB tổ chức trong và ngoài nước. Những bức ảnh đã được gửi triển lãm ở Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc. Nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có lẽ năm nay CLB sẽ tổ chức nhiều triển lãm khác ở nước ngoài.

Với những thành tích đạt được, Trần Vũ Thành được Tổ chức tình nguyện Liên hợp quốc tuyên dương đặc biệt vì có những đóng góp tích cực vì mục tiêu phát triển bền vững năm 2016; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2017”; Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn tặng nhiều bằng khen…

Trong chương trình gặp mặt "Những người bạn của Đoàn" kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn do Trung ương Đoàn tổ chức ngày 14/3/2021, anh Thành và anh Phạm Ngọc Thập, Phó chủ nhiệm CLB đã vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ. Nghệ sỹ Hồ Liên, Phó chủ nhiệm thường trực CLB vinh dự được nhận Bằng khen nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020).

Ảnh: Trần Thành.

Anh Thành cho biết, các thành viên CLB đều có chung đích đến là hướng về biển đảo. Tất cả tiền, hiện vật quyên góp được đều dành tặng cho các chiến sĩ và người nhà của họ.

“Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là những người lính đảo được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ và người dân trên khắp đất nước biết rằng, ngoài khơi xa, đang có những người lính hy sinh vì bình yên Tổ quốc. Từ đó, mỗi người có khát khao, hoài bão, nỗ lực học tập, cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội”, vị Chủ nhiệm nhấn mạnh.

Từ ngày 20 - 30/3/2021, CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” tham gia chương trình "Không gian biển đảo quê hương", tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). CLB Tuổi trẻ mang đến 33 lá cờ Tổ quốc từng sử dụng tại 33 điểm đảo Trường Sa; 36 bức ảnh thể hiện nhiều khoảnh khắc đẹp về hình ảnh những người lính biển, các chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, đời sống của chiến sĩ và người dân trên đảo, tình quân dân, tình cảm đất liền hướng ra đảo xa...
Tin liên quan
Tin khác