Tài chính - Chứng khoán
Kỳ vọng các thương vụ IPO tăng tốc trong năm 2025
Thủy Triều - 21/11/2024 08:36
Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng trì hoãn IPO diễn ra tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2024. Dù vậy, vẫn có những yếu tố là động lực thúc đẩy tiến trình IPO tăng tốc trong năm tới.

Số lượng thương vụ IPO giảm mạnh tại nhiều nước Đông Nam Á

Báo cáo của Deloitte về thị trường vốn IPO khu vực Đông Nam Á cho biết, từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2024, Việt Nam chỉ có 1 thương vụ IPO là Công ty chứng khoán DNSE. 

Xét về số lượng, số thương vụ IPO trong năm nay tại Việt Nam thấp hơn hẳn so với năm 2023 (3 thương vụ), tuy nhiên giá trị huy động được qua vụ IPO lại tăng trưởng đột biến. Thương vụ IPO DNSE đã huy động được khoảng 37 triệu USD, vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.

Việt Nam không phải là thị trường duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có sự sụt giảm về số lượng thương vụ IPO nhưng số vốn huy động lại gia tăng. 

Tại Thái Lan, mặc dù số thương vụ IPO đã giảm so với năm trước, chỉ có 29 thương vụ trong năm 2024, nhưng tổng số tiền huy động được – 756 triệu USD – lại chiếm 26% tổng số tiền của khu vực, đưa Thái Lan trở thành một trong ba thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á. Hiện có nhiều cơ hội tại thị trường Thái Lan với một loạt các thương vụ IPO sắp tới trong các lĩnh vực Tiêu dùng, Khoa học Đời sống và Chăm sóc Sức khỏe và Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT). 

Điểm sáng nổi bật trong khu vực là thị trường Malaysia với 46 thương vụ IPO – vượt qua con số 32 của cả năm 2023, đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2006. Tổng số tiền huy động được thông qua IPO đã chạm mức 1,5 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017, trong khi vốn hóa thị trường đạt 6,6 tỷ USD, gấp đôi so với năm trước và đạt đỉnh kể từ năm 2013. Thị trường ACE tiếp tục cho thấy sức ảnh hưởng trong năm nay với 34 thương vụ IPO, cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi thị trường được thành lập vào năm 2009. Malaysia đang dẫn đầu khu vực trong cả ba chỉ số chính: số thương vụ IPO, tổng số tiền IPO huy động được và vốn hóa thị trường IPO. 

Ở chiều ngược lại, thị trường IPO năm 2024 của Indonesia ghi nhận sự sụt giảm đáng kể với 39 thương vụ IPO huy động được 368 triệu USD, so với 79 thương vụ IPO huy động được 3,6 tỷ USD trong cả năm 2023. Các công ty quy mô nhỏ hơn đã tham gia IPO với các mục tiêu huy động vốn thận trọng hơn do năm 2024 là năm bầu cử ở nước này, đồng thời bị tác động tiêu cực bởi những cơn gió ngược của thị trường toàn cầu.

Còn Singapore đã chứng kiến 4 thương vụ IPO trên sàn Catalist, huy động được khoảng 34 triệu USD từ đầu năm đến nay. Sàn giao dịch Singapore (SGX) cũng chứng kiến 2 thương vụ niêm yết lần hai mới từ Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông: Helens International Holdings, một công ty cổ phần đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc chủ yếu tham gia vào vận hành quán bar và nhượng quyền thương mại, và PC Partner Group Limited, nhà sản xuất và phân phối các sản phẩm điện tử.

Với sự sụt giảm mạnh của Indonesia, trong 10,5 tháng đầu năm 2024, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD. Trong khi số lượng IPO vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, tổng số vốn huy động được lại ở mức thấp nhất trong 9 năm qua, giảm mạnh so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ IPO vào năm 2023.

 Số lượng thương vụ IPO và giá trị huy động của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Deloitte

Chuẩn bị cho dòng tiền vào những thương vụ IPO mới năm 2025

Xét về các ngành hàng, Tiêu dùng và Năng lượng - Tài nguyên là hai ngành thống trị khu vực, chiếm 52% tổng số thương vụ IPO và 64% tổng số vốn IPO huy động được. 

Ngành công nghiệp tiêu dùng ở Đông Nam Á đang trải qua sự chuyển đổi đáng kể do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các công ty nội địa, khu vực và quốc tế. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi GDP ngày càng tăng của khu vực, dẫn đến tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và ngày càng giàu có với sức chi tiêu lớn hơn. Khi mức thu nhập tăng lên, những người tiêu dùng này ở một vị trí tốt hơn để đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn cũng như lựa chọn các sản phẩm cao cấp và tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ.

Ngành Năng lượng - Tài nguyên, đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo, tiếp tục là tâm điểm của Đông Nam Á khi khu vực này phải vật lộn với ba vấn đề nan giải là đảm bảo an ninh năng lượng, bình đằng và môi trường bền vững khi phải chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên bền vững hơn, song song với việc cân bằng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Dù vậy, Deloitte đánh giá, phần lớn nguyên do của sự sụt giảm trong hoạt động IPO của khu vực so với năm trước là do không có các thương vụ IPO bom tấn. Trong năm 2024, chỉ có 1 thương vụ IPO huy động được hơn 500 triệu USD, trái ngược với 4 thương vụ tương tự vào năm 2023.

10 thương vụ IPO lớn nhất tại Đông Nam Á từ đầu năm 2024 đến thời điểm 15/11/2024. Nguồn: Deloitte

Bà Tay Hwee Ling, Lãnh đạo Dịch vụ Đảm bảo Kế toán & Báo cáo, Deloitte Đông Nam Á cho biết, thị trường IPO của Đông Nam Á đã gặp phải những thách thức có quy mô lớn trong năm 2024, bao gồm biến động tiền tệ, sự khác biệt về quy định giữa các thị trường và căng thẳng địa chính trị, đây đồng thời là các yếu tố tác động đến thương mại và đầu tư. Việc các nền kinh tế ASEAN ghi nhận lãi suất cao tiếp tục hạn chế khoản vay của doanh nghiệp, làm chậm hoạt động IPO khi các công ty chọn trì hoãn việc niêm yết. 

Thêm vào đó, sự biến động của thị trường giữa các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, trong khi các yêu cầu pháp lý khác nhau ở các nước Đông Nam Á làm phức tạp hóa mong mỏi được niêm yết xuyên biên giới của các công ty. 

Nhìn về tương lai của thị trường IPO trong khu vực, bà Hwee Ling kỳ vọng: “Việc dự kiến cắt giảm lãi suất cùng với việc cắt giảm lạm phát có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các thương vụ IPO trong những năm tới. Nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tầm quan trọng mang tính chiến lược của Đông Nam Á trong các lĩnh vực như bất động sản, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào khu vực, năm 2025 đã sẵn sàng trở thành một năm cho các thương vụ IPO mới trên khắp Đông Nam Á”.

Xét riêng về thị trường Việt Nam, ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo, Deloitte Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đang trải qua những khó khăn nhất định, tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian lý tưởng để nắm bắt các cơ hội, được ủng hộ bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào năm 2025. 

Tin liên quan
Tin khác