Lãi suất điều hành giảm thêm sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế |
Dịch vụ tăng trưởng bù đắp xuất khẩu, tin vui về lạm phát
Các chuyên gia phân tích HSBC cho rằng, với mức tăng trưởng GDP 4,1% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý II/2023 của Việt Nam cho thấy các điều kiện kinh tế không xấu đi, nhưng cũng không được cải thiện rõ rệt. Tin tốt là thương mại không có dấu hiệu suy giảm thêm song vẫn chưa thấy thấy dấu hiệu rõ rệt của phục hồi.
Ngoài ra, do đợt nắng nóng, ngành sản xuất của Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ở miền Bắc vào tháng 6, nơi đặt các cơ sở sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn. Khi vấn đề năng lượng dần được khắc phục, việc cắt giảm sản xuất đã làm gia tăng khó khăn trong ngành. Các chỉ số PMI hàng đầu cho thấy không có cải thiện trong tương lai gầnt rong khi xuất khẩu tiếp tục khó khăn.
HSBC kỳ vọng những thay đổi sớm nhất trong xu hướng thương mại sẽ diễn ra vào khoảng quý IV/2023, nhưng sẽ theo hướng ổn định trước rồi mới xuất hiện bất kỳ sự gia tăng rõ rệt nào đối với các lô hàng.
Một tác động lan tỏa tích cực ngoài ý muốn đến từ tài khoản vãng lai của Việt Nam. Nguyên nhân là nhập khẩu giảm nhiều hơn so với xuất khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại đáng kể. Cùng với việc tăng doanh thu từ du lịch giúp giảm thiểu thâm hụt dịch vụ, tài khoản vãng lai của Việt Nam được cải thiện đáng kể lên mức 6,1% GDP trong Quý 1/2023, mang tới sự hỗ trợ quý giá cho đồng VND.
Bất chấp sự sụt giảm xuất khẩu, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng tốt đã bù đắp phần nào nhờ vào sự phục hồi đang tiếp diễn. Cụ thể, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm vận tải, lưu trú và ăn uống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh. Nửa đầu năm 2023, khách du lịch đến Việt Nam đã hồi phục 80% so với mức độ hàng tháng của năm 2019, đón tổng cộng 5,6 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách Trung Quốc, là nhóm khách du lịch chính, nhanh chóng đạt gần 50% so với mức hàng tháng của 2019.
Ngoài ra, lạm phát cũng liên tục mang đến những tin tốt. Lạm phát toàn phần đã được kiểm soát ở mức 2,0% so với cùng kỳ trong tháng 6. Nguyên nhân chính là nhờ cắt giảm lạm phát trong lĩnh vực năng lượng, đã kéo lạm phát toàn phần giảm mạnh so với mức trần lạm phát 4,5% của NHNN. Đáng nói hơn, lạm phát cơ bản hạ nhiệt xuống 4,3% so với cùng kỳ, lần đầu tiên dưới mức trần trong 9 tháng.
Các chuyên gia HSBC vẫn cảnh báo về rủi ro tăng giá vẫn kéo dài do đà lạm phát thực phẩm đã tăng trong tháng 6, phản ánh qua giá thịt heo tăng cao. Tuy nhiên, áp lực về giá đến từ nhu cầu cao hơn do hoạt động du lịch phục hồi, chứ không phải vì gián đoạn nguồn cung, giống các đợt dịch cúm lợn châu Phi trước đây. Ngoài ra, tác động của El Nino cho thấy cần phải theo dõi sản xuất nông nghiệp một cách chặt chẽ, đặc biệt là với các loại lương thực thiết yếu như gạo.
Sau khi xét mọi yếu tố, HSBC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 5,0%, từ mức 5,2% trước đó.
Kỳ vọng lãi suất điều hành giảm thêm, tăng trưởng GDP đón bước ngoặt lớn
Theo HSBC, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, chính phủ Việt Nam đã tăng cường nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế. Về mặt tiền tệ, NHNN đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II/2023.
Cụ thể, trong vòng chưa đầy ba tháng, NHNN đã bất ngờ cắt giảm lãi suất điều hành ba lần, mỗi lần hạ 50 điểm cơ bản (0,5% - pv). Trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, thì đồng VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang “xói mòn”.
“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý 4/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch”, HSBC đánh giá.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, về mặt tài khóa, các nhà chức trách cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ tài khóa khác nhau, với mức độ gần như tương đương với những biện pháp được ban hành trong đại dịch. Cụ thể là: giảm 2% thuế VAT cho một số lĩnh vực (được Quốc hội thông qua gần đây), hoãn nộp thuế đối với các loại thuế khác nhau trong 3-6 tháng, cũng như cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel.
“Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nhận thức được những hạn chế tài khóa đến từ thiếu hụt nguồn thu, dẫn đến giới hạn gói giải cứu tài khóa “trọn gói”, các chuyên gia phân tích HSBC nhận định.