Hôm nay (4/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023.
Đây là lần thứ tư trong năm, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để thảo luận và đưa ra các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Lần đầu tiên là vào đầu tháng Một, chuẩn bị cho việc ban hành Nghị quyết số 01 về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2023. Lần thứ hai là đầu tháng Tư, sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP quý I ước đạt 3,32%, một mức tăng trưởng được cho là rất thấp, cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với những rủi ro, thách thức rất lớn.
Lần thứ ba diễn ra vào đầu tháng 6/2023, ngay sau khi Quốc hội có hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2022-2023. Theo đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng khi kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là một thách thức lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương hồi tháng 6/2023. (Ảnh: VGP) |
Và lần này, là sau khi các chỉ số kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2023 chính thức được công bố. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 4,14%, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Với việc tăng trưởng GDP của 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%, mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5% là một thách thức lớn.
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mục tiêu này là “khó khả thi”.
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, thì 6 tháng đầu năm phải đạt mức tăng trưởng 6,2%, trong đó quý I tăng trưởng 5,6%, quý II tăng trưởng 6,7%.
Tuy nhiên, con số đạt được rất thấp, chỉ 3,72% (trong đó quý I tăng trưởng 3,28%, quý II tăng trưởng 4,14%), thấp hơn tới 2,48 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mức tăng trưởng thấp như vậy chỉ yếu là do khu vực công nghiệp -xây dựng gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm.
Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng thêm của khu vực công nghiệp trong 6 tháng chỉ đạt 0,44%.
Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
“Để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, khi kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó dự báo”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Không chỉ Tổng cục Thống kê cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là “khó khả thi”, các dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây cho thấy, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau đợt tham vấn với Chính phủ Việt Nam cách đây ít ngày, đã dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 4,7% trong năm nay.
“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5%”, IMF chỉ rõ.
Trên thực tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng, nhưng đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu hiện nay. Và dù vẫn có những dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm, song để đạt được mục tiêu 6,5% là không đơn giản.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, có thể, Chính phủ sẽ đưa ra câu trả lời về việc có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2023 hay không.
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV, sau khi nghe một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ vào kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, quý II và 6 tháng đầu năm, Chính phủ sẽ có những quyết định về mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cho phù hợp.