Việc nền kinh tế đạt mức tăng 4,14% trong quý II và 3,72% trong 6 tháng đầu năm đang đặt nhiều áp lực lên quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Ảnh: Lê Toàn. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 3,72%
Đúng như dự báo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, rằng khó khăn của nền kinh tế có thể kéo dài đến hết quý II/2023. Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã cho thấy điều này.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II/2023 chỉ tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP của các quý II lần lượt là 6,25%; 5,56%; 5,39%; 6,19%; 7,11%; 6,74%; 6,66%; 7,1%; 7,16%; 0,34%; 6,58%; 7,83%; 4,14%.
Với tăng trưởng GDP của quý II như vậy, thì tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 6,1%; 5,25%; 5,03%; 5,86%; 6,68%; 6,13%; 5,93%; 7,43%; 7,12%; 1,74%; 5,76%; 6,46%; 3,72%.
Công bố số liệu trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế quý II/2023 và 6 tháng đầu năm tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bất lợi của kinh tế thế giới. Đó là chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái…
Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Hương, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Hơn thế, quan trọng là, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo.
Số liệu thống kê cho thấy, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 chỉ tăng 0,27% so với tháng trước đó. Bình quân quý II, CPI chỉ tăng 2,41% và bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lạm phát đang được kiểm soát tốt và đó là điều tích cực.
Thực tế, nhìn vào các số liệu thống kê, có thể thấy xu hướng cải thiện hơn, “nhúc nhích” của nền kinh tế. Một ví dụ cụ thể, trong quý II, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp đã tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước, trong khi quý I giảm 0,8%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,18% trong quý II, sau khi giảm 0,49% trong quý I.
Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng quý II tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
“Khu vực dịch vụ phục hồi, trong đó có dịch vụ du lịch, đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Cũng theo bà Hương, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Sản xuất công nghiệp đang trong xu thế cải thiện, song tăng trưởng vẫn rất thấp. Ảnh: Đ.T |
Áp lực những tháng cuối năm
Bền bỉ vượt khó và đó là điều đáng ghi nhận, nhưng việc nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng 4,14% trong quý II và 3,72% trong 6 tháng đầu năm đang đặt nhiều áp lực lên việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Thực tế, trong điều kiện kinh tế khó khăn, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu chưa có sự cải thiện đáng kể, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP quý II ở mức cao, nhất là đặt trên nền tăng trưởng tới 7,83% của quý II/2022.
Tuy nhiên, với những con số vừa được công bố, thêm một lần nữa, kịch bản tăng trưởng kinh tế bị “phá vỡ”.
Tháng 4/2023, sau khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 được công bố ở mức 3,32%, thấp hơn tới 2,8 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (5,6%), đồng thời dựa trên dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Theo đó, ngay cả ở kịch bản 1, với dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 6%, thì mức tăng trưởng phải đạt được trong các quý II, III, IV lần lượt là 6,7%; 6,5% và 7,1%, theo đúng như kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Còn để đạt được mức tăng trưởng 6,5%, kịch bản được đưa ra là tăng trưởng GDP quý II phải đạt 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), còn quý III và quý III phải đạt tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%, cao hơn lần lượt 1 điểm phần trăm và 0,8 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng còn cách khá xa so với kịch bản đề ra. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước.
Cầu yếu, bao gồm cả cầu trong nước và nước ngoài, là yếu tố khiến sản xuất công nghiệp gặp khó. Cũng vì thế, xuất nhập khẩu tiếp tục suy giảm. Tháng 6/2023, tuy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 56 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước đó, nhưng vẫn giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 12,1%, nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu.
Sản xuất - kinh doanh khó khăn, nên việc thành lập mới doanh nghiệp cũng khó. Trong 6 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là trên 113.600 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cũng cùng thời điểm, có 91.195 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 8.831 doanh nghiệp phải giải thể, tăng 2,8% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong các báo cáo gần đây về vấn đề này, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra các nhận định tương tự. Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 6/2023 đã tiếp tục nói về việc sản xuất công nghiệp tiếp tục suy yếu, thương mại hàng hóa vẫn nằm trong vùng suy giảm.
“Nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp và sản xuất công nghiệp chậm lại”, các chuyên gia của WB nhận xét và cho rằng, đây là điều mà nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục theo dõi.
Tương tự, trong báo cáo vừa được công bố cách đây ít ngày, Ngân hàng Standard Chartered cũng nhấn mạnh việc dữ liệu vĩ mô của Việt Nam vẫn tương đối yếu do hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm, dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh tế chậm lại. Vấn đề mất điện gần đây cũng được Standard Chartered cho là đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 6 “cơn gió ngược” đang cản trở tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam.
Đó là, suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
“Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân, nên để giải quyết, cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ ở mức 3,72%, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chắc chắn, sẽ lại có câu hỏi được đặt ra, là Chính phủ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không?
Câu trả lời sẽ có khi Chính phủ họp thường kỳ tháng 6. Tuy nhiên, rất có thể, khả năng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng sẽ không xảy ra. Trong 3 năm Covid-19, dù nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng mục tiêu tăng trưởng vẫn không được điều chỉnh. Chính phủ vẫn quyết tâm chắt chiu từng cơ hội tăng trưởng để phấn đấu đạt mức cao nhất có thể.
Để thúc đẩy tăng trưởng, tại WEF Thiên Tân, Thủ tướng đã đề xuất một loạt giải pháp, như tăng đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, trong đó người dân vừa là chủ thể, nguồn lực và động lực cho phát triển.
Các vấn đề liên quan đến tập trung phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm… cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh.