Hà Nội kỳ vọng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng sau khi nâng tầm tổ chức Lễ hội hoa anh đào thành Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam -Nhật Bản. |
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp thông tin về Lễ hội này được tổ chức sáng nay, 19/3, tại Hà Nội.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, sau 2 năm tổ chức, đây là năm thứ 3, sự kiện này được tổ chức tại Hà Nội. Từ Lễ hội hoa anh đào, sự kiện này đã được nâng tầm thành Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản với mục tiêu đưa lễ hội này thành sản phẩm du lịch có thương hiệu đặc trưng của Hà Nội.
Ông Động cũng khẳng định, tại Hà Nội, một số tổ chức, cá nhân cũng đứng ra tổ chức các lễ hội hoa anh đào nhưng số lượng hoa thật rất ít, hoa giả nhiều với mục tiêu kinh doanh thương mại cao. Do đó, Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản sẽ được tổ chức nâng tầm cả về quy mô và chất lượng, không mang tính thương mại mà mang đậm chất văn hóa.
Theo ban tổ chức, tâm điểm của Lễ hội vẫn sẽ là trưng bày, giới thiệu hoa anh đào với 50 cây hoa, 10.000 cành hoa anh đào. Các hoạt động trưng bày, giới thiệu hoa anh đào sẽ được thực hiện bởi các nghệ nhân Nhật Bản.
Cùng với đó, Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội sẽ phối hợp với các nghệ nhân Nhật Bản tạo ra 12 tiểu cảnh từ sự kết hợp giữa hoa anh đào và các loại hoa Việt Nam nhằm tạo tâm điểm giao thoa 2 nền văn hóa Nhật Bản và Việt Nam.
Ban Tổ chức cũng đưa ra cam kết, 100% hoa trưng bày tại lễ hội là hoa thật. Đặc biệt, trong dịp này, phía Nhật Bản vẫn tiếp tục trao tặng cho Việt Nam 200 cây hoa anh đào, dự kiến trồng tại Công viên Hòa Bình. Trong lễ trao tặng sẽ có sự hiện diện của hai người đẹp đến từ Nhật Bản là Hoa hậu hoa Anh đào 2018 và Công chúa hoa Anh đào 2018.
Một điểm nổi bật khác của Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản là các tiết mục múa truyền thống yosakoi của Nhật Bản đến từ 17 đội của 3 thành phố là Hà Nội, TP. HCM và TP. Hải Phòng. Các tiết mục này được kỳ vọng sẽ đem tới không khí hết sức sôi nổi cho lễ hội với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên quần chúng.
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có các hoạt động giới thiệu văn hóa Nhật Bản được tổ chức tại khu vực nhà Bát Giác với 16 gian giới thiệu văn hóa Nhật Bản về trà đạo, cờ vây, cờ tướng, gắp giấy, xe ô-tô đồ chơi điều khiển từ xa, câu bóng yoyo bằng cần câu, trò chơi trading card game TCG, mặc thử kimono và yukata, gian giới thiệu về du lịch Nhật Bản, gian cung cấp thông tin về du học tại Nhật Bản... Khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ là nơi có các hoạt động trình diễn ca trù, đàn bầu... và các loại hình nghệ thuật truyền thống Hà Nội.
Các chương trình nghệ thuật truyền thống Hà Nội cũng diễn ra tại sân khấu khu vực nhà Bát Giác.
Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội (số 36 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ có các hoạt động giới thiệu nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ giới thiệu ẩm thực dân gian như: phở, các loại bánh cổ truyền, chè truyền thống của người Hà Nội; phía Nhật Bản sẽ là các món bánh, mì truyền thống...
Được biết, từ ngày 17/3, những cây, cành hoa anh đào đầu tiên đã về Việt Nam, dự kiến hoa anh đào sẽ tiếp tục về tới Việt Nam vào chiều 19/3, 21 và 22/3 và được bảo quản cẩn thận chuẩn bị phục vụ lễ hội.
Đây là năm thứ 3, sự kiện này được UBND TP. Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Sự kiện này đã bắt đầu tạo được sự chú ý của công chúng và du khách khi đến với Hà Nội.