Ảnh minh họa |
Kết quả đến ngày 15/9/2022
Kỳ vọng trên xuất phát từ kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/9 và khả năng đạt được trong cả năm. Nếu đạt được như kỳ vọng, mặt hàng này sẽ nằm trong nhóm khá của “Câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD”- cao hơn nhiều mặt hàng khác.
Kim ngạch xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận từ đầu năm đến ngày 15/9/2022 đạt 2.861,7 triệu USD. Đây là quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, chiếm gần 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 17 trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của cả nước, cao hơn 14 mặt hàng khác trong “câu lạc bộ”, kể cả những mặt hàng có kim ngạch lớn trước đây (như gạo; dây điện, dây cáp điện; hóa chất; rau quả; cao su; hạt điều…). Mặt hàng này đã tham gia “câu lạc bộ” từ năm 2017 cho đến nay. Còn kết quả của 3 tháng rưỡi nữa mới hết năm, nhưng quy mô đã lớn hơn mức cả năm từ 2019 trở về trước.
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao tăng 49,2% - cao gấp 2,7 lần tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và dụng cụ của Việt Nam đã có mặt ở 22 thị trường chủ yếu. Trong đó, có 17 thị trường đạt trên 10 triệu USD, có 5 thị trường đạt trên 100 triệu USD. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (1,412 tỷ USD, chiếm 49,3% tổng số), tiếp đến là Nhật Bản (trên 372 triệu USD), Hà Lan (trên 110 triệu USD), Anh (trên 116 triệu USD). Hầu hết các thị trường trên là các cường quốc thể thao về những môn thể thao chủ yếu.
Trong 22 thị trường chủ yếu, có 20 thị trường tăng, trong đó, tăng cao nhất là Mỹ (tăng 446 triệu USD), Nhật Bản (tăng 161 triệu USD).
Đây là mặt hàng tuy mới gia nhập “câu lạc bộ”, nhưng đã liên tục tăng lên qua các năm (2017 đạt 1,24 tỷ USD, 2018 đạt 1,39 tỷ USD, 2019 đạt 1,94 tỷ USD, 2020 đạt 2,9 tỷ USD, 2021 đạt 2,92 tỷ USD), năm nay có thể tăng cao đột biến.
Kỳ vọng cả năm
Kỳ vọng xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao năm 2022 với 3 kịch bản.
Kịch bản thấp, với giả thiết mức bình quân một tháng trong 3 tháng rưỡi còn lại đạt bằng với mức bình quân một tháng của 8 tháng rưỡi vừa qua (336,7 triệu USD), thì cả năm sẽ đạt 4,04 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm trước.
Kịch bản trung bình, với giả thiết mức bình quân một tháng trong 3 tháng rưỡi còn lại đạt bằng với mức của tháng 8 (398,6 triệu USD), thì 3 tháng rưỡi còn lại đạt trên 1,395 tỷ USD và cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 4,257 tỷ USD, tăng 45,8% so với năm trước.
Kịch bản cao, với giả thiết tốc độ tăng cả năm 2022 bằng với tốc độ tăng của 8 tháng rưỡi vừa qua (49,2%), thì cả năm sẽ đạt khoảng 4,351 tỷ USD.
Theo đó, dù theo kịch bản nào, thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận cũng vượt qua mốc 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng trên cũng không dễ dàng, nếu không có các giải pháp quyết liệt, toàn diện từ đầu vào đến đầu ra.
Ở đầu vào, quan trọng nhất là vốn và lao động. Mặc dù tăng trưởng tín dụng không cao nhiều so với 2 năm trước, nhưng cơ cấu tín dụng, nhất là gói cấp bù lãi suất, cần ưu tiên cho việc sản xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận, khi mặt hàng này tiêu thụ tốt.
Ở đầu ra có tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, cần tập trung cho xuất khẩu. Để tăng xuất khẩu, cần mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng và vấn đề quan trọng là thị trường. Cần khai thác lợi thế có lực lượng lao động đông đảo, có tay nghề khá, có giá nhân công rẻ…; lợi thế về thị trường cùng tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những thị trường có hoạt động vui chơi, thể thao phát triển. Ngay trong 22 thị trường chủ yếu trong 8 tháng rưỡi qua, cũng có một số thị trường có quy mô kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn nhỏ như Đan Mạch, Malaysia, Nga, Singapore, Thụy Điển. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang một số thị trường còn bị giảm, như Đài Loan, Nga.