LTS: Dân tộc Việt Nam có lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng. Ngày 2/9/1945 là một trong những mốc son chói lọi, ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới với tư cách một quốc gia độc lập. Từ đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định sức sống và bản lĩnh Việt Nam trong công cuộc Đổi mới, hội nhập, khẳng định vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế.
Trong cuộc chiến Covid-19 khiến bao cường quốc chao đảo, Việt Nam tiếp tục nổi lên là điểm sáng, với bản lĩnh và sáng tạo, kiên cường và nhân văn, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, để một lần nữa, hai tiếng Việt Nam lại vang lên tự hào trong mỗi người Việt Nam và tự đáy lòng cảm phục của bạn bè quốc tế.
Nhân kỷ niệm 75 Quốc khánh, Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu những chia sẻ tâm huyết, những suy tư, trăn trở, những ấp ủ và hành động, những xúc cảm dâng trào hướng về Tổ quốc, với niềm tự hào "được là người Việt Nam".
*
* *
Bức tranh về người Việt sống độc lập, tự cường
Hồi mới sang Mỹ, tôi luôn dặn mình phải tự lo được cho cuộc sống của bản thân trước khi hướng đến những mục tiêu phát triển khác, như đóng góp thời gian, công sức cho các hoạt động tại nơi mình sinh sống.
GS. Hà Tôn Vinh. |
Không riêng tôi, hầu hết người Việt ở nước ngoài đều có ý chí kiên trì, sống tự lập. Họ như những mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn về người Việt sống độc lập, tự cường, chứ không phải sang xứ cờ hoa để sống dựa vào tiền trợ cấp. Bằng chứng là rất nhiều người Việt ở 5 châu vừa có thể phát triển sự nghiệp, vừa đóng góp cho xã hội, dù đó có phải là quê hương mình hay không.
Gần đây nhất (ngày 25/8), luật sư Tony Phạm, một người Mỹ gốc Việt được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS), chịu trách nhiệm về giam giữ, trục xuất người nhập cư và hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, người Việt tham gia lãnh đạo ở rất nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia nói chung và ở Mỹ nói riêng. Rất nhiều thẩm phán, nhà khoa học, tướng lĩnh trong quân đội Mỹ… là người Việt.
Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, từ những thành quả đã gây dựng được, tôi nhận ra 3 đức tính rất quan trọng mà người Việt ở nước ngoài đã luôn nằm lòng. Đó là tự lập, ý chí vượt lên so với các cộng đồng dân tộc khác và bất cứ người Việt nào xa xứ, đặc biệt những bạn bè tôi quen biết, đều mong muốn có cơ hội trở về Việt Nam, trước hết là du lịch, thăm quê hương, sau là tìm kiếm cơ hội đóng góp cả về vốn lẫn tri thức mà họ đã tích luỹ trong lĩnh vực liên quan.
Nhưng có nhiều trở ngại để mong muốn đó trở thành hiện thực xoay quanh vấn đề vốn hạn hẹp, ít thời gian và thiếu thông tin. Khi đã ở nước ngoài quá lâu và về Việt Nam chỉ trong vài tuần, đa số không biết làm gì, bắt đầu từ đâu, hệ thống luật pháp trong nước vận hành ra sao…. Hậu quả là thiếu thông tin, thiếu sự hướng dẫn và có thể còn là thiếu hiểu biết xác thực về Việt Nam.
Cùng với đó, khoản tài chính dành dụm được sau bao năm làm việc ở nước ngoài không phải quá nhiều để họ sẵn lòng tham gia thử nghiệm dự án nào đó mà chính họ cũng không biết tham gia với tư cách cổ đông, nhà đầu tư chính, hay chỉ là cố vấn.
Trong vai trò “sợi chỉ đỏ” kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, các tổ chức tự nguyện đều không có nguồn lực tài chính dồi dào để dành thời gian, chi phí cho việc tìm hiểu, cung cấp thông tin xác thực cũng như nhanh nhất đến các hội viên.
Tôi rất trăn trở về những trở ngại trên, bởi đa số người Việt ở nước ngoài đều học được kiến thức đa dạng ở mọi lĩnh vực. Tôi gọi đây là tài sản quốc gia, niềm tự hào, làm rạng danh Việt Nam ở nước ngoài. Những trí thức này như các đại sứ thương hiệu về một Việt Nam cần cù, nhẫn nại, tự lập và thông minh.
Tự hào là người Việt thành danh ở nước Mỹ
Thế hệ thứ nhất như cha mẹ, ông bà tôi sang Mỹ, dù có đóng góp về quê hương, cũng chỉ ở mức giới hạn, bởi về tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung, họ đều không biết, ít trải nghiệm khi đa phần thời gian dành cho mục tiêu phấn đấu để tồn tại.
Đến thế hệ thứ hai như tôi, miếng cơm manh áo không còn là vấn đề lớn. Sống ở Mỹ lâu năm, dù thế hệ trước làm cầu nối tôi với văn hóa, truyền thống quê hương, giữ gìn việc đối thoại hàng ngày bằng tiếng Việt, nhưng khi trở về, tôi đã bất ngờ về một Việt Nam đã thoát khỏi “bóng ma” của chiến tranh và đang trên đường tiến tới phát triển thịnh vượng.
Hơn 2 thập kỷ trở về quê hương, mỗi ngày tôi đều nhìn thấy rõ ràng sự chuyển mình về nhiều mặt trong cuộc sống, ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tư do là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy, không còn mối hận thù nào trong quá khứ, mà chúng ta đang cùng nhau hướng tới tương lai qua những chuẩn mực cao nhất.
Đây cũng là thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, khi hàng hoá sản xuất tại Việt Nam đang được tiêu thụ ở nhiều quốc gia, kể cả các thị trường đòi hỏi chất lượng cao nhất như Mỹ hay EU.
Qua một câu chuyện xảy ra mới đây, tôi càng mong muốn sẽ tìm ra phương cách để hỗ trợ doanh nghiệp dần khắc phục vấn đề này và chủ động hơn trên trường quốc tế. Tôi vừa mua một đôi giày rất đẹp có thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, với giá đã được giảm, cộng tiền gửi về Việt Nam khoảng 150 USD, xấp xỉ 3,5 triệu đồng. Khi mở hộp đôi giày, lúc thấy rõ dòng chữ “Made in Vietnam” thì 2 luồng cảm xúc khác nhau xuất hiện trong lòng tôi. Đó là, sản phẩm được sản xuất từ Việt Nam quá đẹp, đã được tiêu thụ nhiều năm tại Mỹ. Tại sao những đôi giày đẹp như vậy không được sản xuất cho người Việt Nam. Nếu sản xuất 100 đôi xuất sang Mỹ thì chúng ta có thể sản xuất thêm 20 đôi để bán tại nội địa hay không?!
Thực sự đây là vấn đề tôi trăn trở kể từ thời điểm năm 1997, sau chuyến về Việt Nam chơi, tôi đầu quân và nhận trách nhiệm đứng đầu tại thị trường Việt Nam của một doanh nghiệp Mỹ đến hôm nay, khi đã tham gia đào tạo khoảng 4.000 chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp, cũng như nhiều quan chức, thậm chí là các bộ trưởng ở Việt Nam.
Những thông tin, tài liệu, kinh nghiệm ở Mỹ được chuyển giao cho bạn bè, chia sẻ đến các doanh nghiệp hay kết nối các nhà đầu tư về Việt Nam, thậm chí là trở thành “cầu nối” giúp doanh nghiệp Mỹ hiểu hơn, tự tin đầu tư vào Việt Nam, có thể là 3 đóng góp lớn nhất mà tôi đã làm được.
Nhưng khi đã tự hào là người Việt thành danh ở nước Mỹ, rồi trở về gắn bó với Việt Nam hơn 2 thập kỷ qua, hành trình đóng góp xây dựng phát triển đất nước của tôi sẽ không dừng lại, bằng cách này hay cách khác.