Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023 |
Đáng mừng, nhưng không nên “quá mừng”
Cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023.
Báo cáo về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khái quát, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao.
Trong 6 chỉ tiêu vượt, tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8% (chỉ tiêu là 6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
“Trước đó, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 7 - 7,5%. Nhưng trên cơ sở tăng trưởng GDP quý III là 13,67%, 9 tháng là 8,83%, dự kiến mới khả năng GDP cả năm đạt 8%”, Thứ trưởng Trần Duy Đông giải thích.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, mục tiêu năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Trong dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường của năm 2023, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.
Khá nhiều ý kiến phát biểu sau đó đều cho rằng, dự báo tăng trưởng năm 2023 và kết quả của năm nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khá phù hợp, đáng mừng, nhưng “không nên quá mừng”.
Mừng, bởi vì kết quả mà Việt Nam đạt được “rất khác biệt” so với các nước trong khu vực và thế giới, trong bối cảnh hiện nay. Đây là cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm.
Nhưng “không nên quá mừng” là bởi, nền kinh tế đang còn phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức.
Nhìn nhận con số tăng trưởng của quý III và cả năm khá lạc quan, song đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhìn kỹ, thì con số này cũng không phải lạc quan lắm.
“Bởi lẽ, đó là xuất phát điểm từ mức tăng trưởng rất thấp của năm ngoái. Nếu trước đây, tăng trưởng khoảng hơn 6%, năm sau cũng tăng 6% thì là chuyện bình thường. Nhưng năm 2021, chỉ có 2,58%, năm nay tăng 8%, thì thực ra cũng chỉ tăng khoảng 6%. Tất nhiên, trong bối cảnh khó khăn mà duy trì đà như vậy cũng là nỗ lực, cố gắng”, ông Lộc phát biểu.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, có thể tác động tiêu cực tới các nước. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, dòng tiền sẽ quay ngược trở lại, thị trường Việt Nam trước đây hấp dẫn nhà đầu tư, thì giờ sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút dòng vốn từ ngoài vào.
Nhận định, từ nay đến cuối năm và có thể sang năm khó khăn còn chồng chất, ông Tiến cho rằng, có những việc đã làm đạt kết quả tốt, nhưng nên nhìn nhận “vừa phải” và cần bổ sung thêm cảnh báo, dự báo “mạnh hơn nữa”.
Hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp
Tại phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các vị đại biểu đánh giá toàn diện, sâu sắc về chất lượng sau từng con số của nền kinh tế năm 2022, xác định động lực phát triển cho kế hoạch năm 2023.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt, để duy trì tốc độ tăng trưởng, cần hỗ trợ hiệu quả hơn cho khu vực doanh nghiệp.
Ông Việt lưu ý, doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn, số ngừng hoạt động, đóng cửa tăng cao, kèm theo đó là nhiều sức ép như chi phí sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp do các nền kinh tế này có thể rơi vào suy thoái. Huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn do hạn mức tín dụng thu hẹp...
“Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ vẫn theo hướng thận trọng, ưu tiên ổn định vĩ mô, lạm phát… Nhưng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp hiện rất chậm, tới tháng 8/2022 mới đạt 13,5 tỷ đồng, tức là phần thực hiện được so với mục tiêu ở Nghị quyết số 43/2022/QH15 (40.000 tỷ đồng) còn rất xa. Ngân hàng Nhà nước cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp thời gian tới, để có đề xuất giải pháp nhằm giảm áp lực chi phí vốn vay, hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp”, ông Việt đề nghị.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nhìn vào bức tranh kinh tế, thì phải nhìn vào doanh nghiệp, vì đó là những chủ thể chính của nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ phát hiện của mình, đó là trước đây, báo cáo thường chỉ nói về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong phần văn bản chính thức, còn số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đưa vào phần “footnote” (chú thích đặt ở cuối trang), lần này thì đã xuất hiện ở văn bản chính thức.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ hơn con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm là hơn 104.000, sau đó có đưa ra con số ước cả năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 115.000, ông Lộc nêu vấn đề, nếu cộng thêm cả 4 tháng cuối năm, sẽ còn nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường nữa. Nếu thế, lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn khá nhiều so với số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, như vậy thì bức tranh doanh nghiệp xấu hơn rất nhiều.
Cựu Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, hiện nay, doanh nghiệp FDI mang cả hệ sinh thái của họ vào Việt Nam, cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, thậm chí doanh nghiệp làm suất ăn công nghiệp cung cấp cho họ cũng mang từ nước ngoài vào. Doanh nghiệp Việt thậm chí không chen vào được chỗ cung cấp suất ăn công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài, vậy thì làm sao lớn lên được?
Hồi âm ý kiến đại biểu về những con số liên quan đến doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói, ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc rất đúng, con số tại báo cáo chưa đủ cập nhật.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, dự kiến, cả năm 2022 sẽ có 135.000 doanh nghiệp thành lập mới, 55.000 doanh nghiệp quay trở lại và khoảng 135.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong phát biểu khép lại phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần làm rõ số doanh nghiệp mới tham gia, số rút lui khỏi thị trường và như thế thì chất lượng thế nào, bởi doanh nghiệp đang có đóng góp thì rút đi, doanh nghiệp mới thì chưa có nhiều đóng góp.
Ông Thanh cũng đề nghị cơ quan xây dựng báo cáo làm rõ hơn những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm như năng suất lao động không đạt chỉ tiêu, thu ngân sách bình thường vẫn tăng vào cuối năm, nhưng năm nay lại có xu hướng giảm vào cuối năm, nguyên nhân là gì.
“Cần lưu tâm chỉ số lạm phát và bội chi. Hiện nay, áp lực lạm phát chưa cao do giải ngân đầu tư công chậm, nếu tốc độ giải ngân nhanh, thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Tiếp thu các ý kiến tại phiên thẩm tra, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, sẽ có báo cáo cập nhật hơn để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, sau khi được Trung ương cho ý kiến. Báo cáo này sẽ nhấn mạnh hơn những thách thức, không quá “hồng”, cũng không quá “tối”, như góp ý của đại biểu.
Thừa nhận gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được rất ít, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng giải thích, các ngân hàng đều phản ánh, thực sự doanh nghiệp không hào hứng với gói hỗ trợ này.
“Đây là tiền ngân sách, lấy tiền từ ngân sách rồi sau này thanh, kiểm tra, nên họ rất ngại. Tháng tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội nghị lắng nghe doanh nghiệp xem họ vướng ở đâu để điều chỉnh”, ông Dũng cho biết.