Trong 6 tháng qua, có 15/21 ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro. |
Dự phòng tăng
Thống kê cho thấy, lợi nhuận của 13/17 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán 6 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 31.070 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2017 (đồng thời cao hơn con số tăng trưởng lợi nhuận bình quân toàn ngành năm 2017 là 44,5%).
Trong đó, nhiều ngân hàng lợi nhuận tăng trưởng trên 50%, thậm chí đạt 3 con số như VIB (180%), ACB (150%), HDB (106%)... Về mặt con số, VCB dẫn đầu với 8.017 tỷ đồng lãi trước thuế, tiếp đó là CTG (5.266 tỷ đồng), TCB (5.196 tỷ đồng), BID (5.036 tỷ đồng)...
Tuy đạt lợi nhuận cao, nhưng con số trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng cũng không thấp.
Thống kê tại 21 ngân hàng (VCB, CTG, BID, ACB, MB, VPB, OCB, SHB, MB, TPB, BAB, HDB, TCB, VIB, EIB, STB, LPB, NCB, VAB, BGP, SCB) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, tổng dự phòng rủi ro tín dụng là 31.821 tỷ đồng, trong đó 15/21 ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ và 6 ngân hàng phải dành trên 50% lợi nhuận để trích lập chi phí dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy, áp lực nợ xấu của các ngân hàng là không hề nhỏ.
Chẳng hạn, nợ xấu tại TPB tính đến cuối tháng 6/2018 là 862,7 tỷ đồng, chiếm 1,17% tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 1,09% ở thời điểm cuối năm 2017.
Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất) vốn chiếm hơn một nửa, tăng 69% so với đầu năm 2018.
Tại MB, chi phí hoạt động trong nửa đầu năm nay là 3.549 tỷ đồng. MB trích 1.659 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Cuối tháng 6/2018, MB còn 2.639 tỷ đồng nợ xấu, tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng 294 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 144 tỷ đồng.
VCB trích 3.235 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm nay, tăng 233 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với cùng kỳ do nợ nhóm 5 tăng. Trong khi đó, con số trích lập dự phòng rủi ro của BID là hơn 10.000 tỷ đồng
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý II/2018 của LienVietPostBank là lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng mạnh, đạt gần 195% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận lại không đạt kỳ vọng khi chỉ đạt gần 160 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý II/2016, giảm 64% so cùng kỳ và 6 tháng đầu năm đạt 666,3 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch đặt ra. Theo lý giải của LienVietPostBank, một trong những lý do khiến lợi nhuận thấp là do tăng trích lập dự phòng.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ, Báo cáo tài chính quý II/2018 của Viet Capital Bank cho thấy, thu nhập lãi thuần đạt 738,7 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, nhưng chi phí hoạt động tăng 16% và đặc biệt, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 18,3 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng khiến Ngân hàng lỗ trước thuế 33,5 tỷ đồng trong kỳ.
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, Viet Capital Bank vẫn lãi trước thuế 53,2 tỷ đồng, tăng 264% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 66% kế hoạch năm (80 tỷ đồng).
Chi phí dự phòng tăng vọt khiến lợi nhuận trước thuế quý II/2018 của SCB sụt giảm 38% so với cùng kỳ. Dù vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, SCB vẫn ghi nhận 125 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ…
Khi nào xóa sạch nợ đã bán cho VAMC?
Mặc dù Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đã mở cánh cửa thu giữ tài sản bảo đảm cho ngân hàng trong trường hợp không nhận được sự hợp tác của con nợ. Tuy nhiên, do Nghị quyết chưa trao toàn quyền định đoạt tài sản đảm bảo cho chủ nợ, nên khó khăn vẫn treo lơ lửng trên đầu các ông chủ ngân hàng.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbright cho rằng, do chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nên các ngân hàng phải tự tạo nguồn lực tài chính để xử lý, trong đó chủ yếu sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, nếu nợ xấu không nhanh chóng được xử lý sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Dẫu vậy, giới phân tích cũng cho rằng, nhờ Nghị quyết 42 mà nợ xấu ngành ngân hàng đang dần được cải thiện.
Tại Sacombank, sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ nợ xấu, nửa đầu 2018 tiếp tục thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.
VIB cho biết, đã xóa hết nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) - VAMC vào cuối tháng 7/2018. Vào cuối quý II/2018, VIB vẫn ghi nhận có 1.464 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 746 tỷ đồng.
Với việc xóa sạch nợ trước hạn tại VAMC, tới đây, VIB sẽ không phải trích lập dự phòng, lợi nhuận nhờ vậy sẽ gia tăng. Trước đó, VCB và TCB cũng cho biết, đã xóa sạch nợ tại VAMC.
Tại OCB, tuy chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 4 lần lên mức 415 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay; nợ xấu tại Ngân hàng tăng 224 tỷ đồng lên 52.901 tỷ, chiếm 2,06% dư nợ cho vay khách hàng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang chiếm tỷ trọng 50% trong cơ cấu nợ xấu của OCB.
Dù vậy, OCB vẫn tự tin với kế hoạch xử lý nợ xấu và thu hồi nợ, cũng như đạt chỉ tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng năm nay. OCB dự kiến trích lập dự phòng năm 2018 là 500 tỷ đồng (gồm 20% nợ xấu VAMC trích theo quy định và nội bảng).
Tuy nhiên, OCB cho hay, nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích dự phòng.
Vì vậy, Ban điều hành OCB chưa đưa khoản này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018. OCB quyết xóa hết các khoản nợ xấu Ngân hàng đã bán cho VAMC từ những năm trước còn tồn đọng, nhằm làm sạch nợ ngoại bảng.
ACB cho biết, năm 2018 nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, với chỉ tiêu đưa ra cho năm nay ở mức 5.699 tỷ đồng, theo lãnh đạo ACB, khả năng có thể đạt 6.000 tỷ đồng.
Tại SCB, mục tiêu SCB trong năm 2018 sẽ xử lý, thu hồi từ 4.000-5.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành vào tháng 6/2018 cho thấy, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III/2018 và cả năm nay, với tỷ lệ lần lượt là 76,1% và 82,6%.
Đồng thời, 88% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018.