Gỗ An Cường vừa công bố Báo cáo nhà đầu tư quý IV/2021 với doanh thu thuần và lãi ròng giảm lần lượt gần 10% và 20% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 1.087 tỷ đồng và xấp xỉ 155 tỷ đồng.
Cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của An Cường đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như bán hàng và tiến độ nghiệm thu của công ty xáo trộn.
Dịch bệnh dần được kiểm soát nên từ giữa cuối tháng 10/2021, các doanh nghiệp nói chung và An Cường nói riêng đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước lấy lại nhịp tăng trưởng với công suất tối đa.
Sơ lược kết quả cả năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm hơn 12% so với năm 2020, chỉ đạt 3.293 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm vừa qua cũng chỉ đạt 451 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với năm liền kề trước đó.
Như vậy, An Cường chỉ hoàn thành khoảng 67% chỉ tiêu doanh thu thuần và 82% kế hoạch lãi ròng cả năm 2021.
Biên lợi nhuận gộp và tỷ lệ đòn bẩy của Gỗ An Cường. (Nguồn: ACG). |
Tính đến cuối năm 2021, Gỗ An Cường có gần 100 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; nợ phải trả hơn 1.200 tỷ đồng (tăng gần 29% so với đầu năm) và tổng tài sản gần 5.000 tỷ đồng (tăng 12% so với đầu năm).
Cơ cấu chủ sở hữu tại doanh nghiệp này vẫn tương tự thời điểm đầu năm ngoái bao gồm Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam chi phối 50,04% vốn, Sumitomo Forestry Ltd (Singapore) nắm 19,61% và Whitlam Holding Pte Ltd sở hữu 18,06%.
Đề cập trong Báo cáo nhà đầu tư, doanh nghiệp này cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và đẩy mạnh hoạt động M&A, hướng đến mục tiêu chi phối 70% thị phần gỗ công nghiệp Việt Nam.
Người lao động làm việc trong nhà máy của Gỗ An Cường ở tỉnh Bình Dương (Ảnh: Lê Toàn). |
Ngành sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ thị trường nội địa dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 5,7% nhờ tiêu thụ nội địa mạnh và tăng hơn 15% đối với mảng xuất khẩu.
Song, doanh nghiệp trong ngành đều phải đối mặt với 3 rủi ro lớn.
Thứ nhất, rủi ro về việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gia nhập vào Việt Nam và gia tăng các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và lẩn tránh thuế.
Các hành vi này có thể gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Thứ hai, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, nhập khẩu nguyên phụ liệu phụ trợ phục vụ cho công tác chế biến hiện đang gặp nhiều khó khăn do gián đoạn về chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí logistics tăng mạnh.
Thiếu hụt nhân công tại một số địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng có tác động đến năng suất sản xuất của các doanh nghiệp.
Thứ ba, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều khu vực.
Ở Việt Nam, biến chủng Omicon cũng đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình dịch bệch Covid-19 trên thế giới đã dần được kiểm soát nhờ vào tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao.