Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất cao, vì sao vay tiêu dùng vẫn nóng
Hà Tâm - 29/05/2018 11:47
Với sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính tiêu dùng, hàng triệu người dân lần đầu tiên có cơ hội tiếp cận kênh tín dụng chính thức.Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lãi vay tiêu dùng hiện nay đang “cắt cổ”. Vậy đâu là mức lãi suất hợp lý cho cả hai bên?
Cho vay tiêu dùng mới chiếm 17% tổng dư nợ ở nước ta, tỷ lệ còn nhỏ so với khu vực và trên thế giới

Nhu cầu lớn, ngân hàng không dám cho vay

Chỉ tính trong vòng 5 năm gần đây, quy mô tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần, đạt 1,1 triệu tỷ đồng.Dù tăng trưởng nhanh, song thực chất, đa số khách hàng tiếp cận được tín dụng tiêu dùng vẫn là khách hàng có thu nhập khá trở lên và có tài sản thế chấp. Đại đa số người dân có thu nhập trung bình thấp và thấp vẫn chưa thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thống kê cho thấy, trong số 1,1 triệu tỷ đồng này, ngân hàng đã chiếm thị phần tới hơn 91%, tổng dư nợ các công ty tài chính tiêu dùng cho vay hiện mới khoảng 90.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thống kê của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, do chấp nhận những món vay nhỏ lẻ, có thời hạn ngắn, đến nay các công ty tài chính đang phục vụ tới 30 triệu lượt khách hàng.

Khách hàng chủ yếu của các công ty tài chính là các khách hàng có thu nhập thấp, trung bình thấp, không có lịch sử tín dụng, không tài sản thế chấp, thậm chí có nợ xấu – thường được gọi là những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng.

Như vậy, thay vì phải tìm tới tín dụng đen như trước, hàng chục triệu khách hàng đã có thể vay vốn ở kênh tín dụng chính thức để thỏa mãn nhu cầu vốn của mình.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát triển tài chính tiêu dùng là xu hướng chung trên toàn thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài. Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình thấp rất lớn nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vay nóng, vay nặng lãi, tín dụng đen… vẫn còn tồn tại rất nhiều ở nông thôn. 

Những năm qua, dù hàng trăm vụ việc liên quan đến tín dụng đen đã được xử lý hình sự, song đây chỉ là sự giải quyết phần ngọn. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề tín dụng đen phải thực hiện bằng giải pháp kinh tế, đó là đáp ứng được nhu cầu vốn của người thu nhập thấp, trung bình thấp bằng kênh tín dụng chính thức.

“Nếu chúng ta có đổi mới nhận thức, có tư duy đúng, hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng, các định chế tài chính khác phát triển mạnh ở khu vực nông thôn để phục vụ những người yếu thế thì không những tín dụng đen giảm mà còn hỗ trợ phát triển tiêu dùng, kích thích sản xuất”, ông Kiên nói.

Có nên áp trần lãi suất với cho vay tiêu dùng?

Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cho rằng, việc tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập trung bình thấp và thấp này khiến rủi ro của công ty tài chính rất lớn. Đây cũng chính là lý do khiến lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao hơn so với ngân hàng.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, “Lãi suất cho vay phải theo nguyên tắc rủi ro lớn thì lợi nhuận phải cao để bù đắp. Chúng ta không thể đòi hỏi công ty tài chính cho vay các đối tượng rủi ro hơn ngân hàng nhưng lãi suất cho vay lại thấp như lãi vay ngân hàng”, ông Kiên nói.

Do rủi ro cao, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn ngân hàng

Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình cứ cho vay 10 món thì công ty tài chính phải chấp nhận mất 2 món. Do đó, lãi suất cho vay áp dụng với 10 khoản vay này, ngoài chi phí cho bộ máy vận hành và biên độ lợi nhuận phù hợp, còn phải bù đắp tổn thất của hai món vay, chưa kể giá vốn huy động của công ty tài chính cao gấp nhiều lần ngân hàng…

Với ý kiến cho rằng nên xem xét áp dụng trở lại trần lãi suất với cho vay tiêu dùng,  TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, người đi vay đương nhiên luôn mong lãi vay tiêu dùng phải thấp nhưng điều kiện cho vay phải dễ dàng hơn trong khi bản thân họ khi đi vay ngân hàng không được chấp thuận, đó chính là mâu thuẫn giữa cung và cầu.

Để hình dung về việc có nên áp trần với lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hay không, ông Kiên dí dỏm “Tôi lấy ví dụ, khách hàng có nhu cầu nhập viện để mổ. Bệnh viện cho họ lựa chọn: đóng 20 triệu đồng để được mổ dịch vụ ngay hoặc xếp hàng đợi ít nhất 3 tháng để được mổ bảo hiểm. Vậy khách hàng sẽ lựa chọn thế nào?”.

Đương nhiên, mọi so sánh đều khập khiếng, song thực tế là nhiều người dân có nhu cầu vay tiền rất bức thiết và họ chỉ có hai lựa chọn: Vay công ty tài chính, hoặc vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp cả chục, cả trăm lần lãi suất cho vay tiêu dùng. Cho nên, các chuyên gia cho rằng, vẫn rất cần có những kênh tín dụng như cho vay tiêu dùng để làm “phao cứu sinh” cho những người thu nhập thấp và trung bình thấp.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lý do khiến lãi suất cho vay tiêu dùng cao như hiện nay là do cơ sở dữ liệu về khách hàng rất thiếu, các tổ chức tín dụng thiếu căn cứ tín nhiệm để cho vay một cách an toàn. Chính vì vậy, muốn giảm lãi suất, trước hết, phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân của quốc gia. Dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên và được chia sẻ rộng rãi, dùng chung cho cả xã hội chứ không chỉ phục vụ cho ngành công an, tư pháp. 

Ngoài ra, các công ty tài chính cần minh bạch thông tin, chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền cho khách hàng và quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

“Công ty tài chính phải làm cho khách vay thấy được tầm quan trọng của việc trả nợ đúng hạn, ý thức được rằng việc để xảy ra nợ xấu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bản thân mình. Vì khi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, có “vết đen” tại CIC, khách hàng sẽ rất khó vay vốn hoặc phải vay vốn với lãi suất cao ở tổ chức tín dụng khác”, ông Đỗ Hoàng Phong khuyến cáo.

 

 

Tin liên quan
Tin khác