Ngân hàng
TS. Cấn Văn Lực: Quy mô tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam còn nhỏ bé
Thùy Liên - 23/05/2018 12:59
Nếu như ở các nước ASEAN 5, tín dụng tiêu dùng chiếm tới 34% tổng dư nợ thì ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ mới chiếm 17%. Số liệu của StoxpPlus cũng cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những Tổ chức tín dụng (TCTD), rất nhiều người phải tìm đến tín dụng đen. Nếu kênh tín dụng tiêu dùng gặp khó, tín dụng đen sẽ bùng phát.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

30 triệu khách hàng đã được vay vốn nhờ công ty tài chính

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh trong 5 năm gần đây đã póp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt…

Cụ thể, trong vòng 5 năm gần đây, ín dụng tiêu dùng tăng gần 5 lần về quy mô. Nếu cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng mới khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Các ngân hàng vẫn nắm tới 98% thị phần của miếng bánh cho vay tiêu dùng. Dư nợ cho vay của các công ty TCTD mới chiếm trên 8% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

Hiện trên thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó, những công ty đang nắm phần lớn thị phần như FE Credit (khoảng 50%), Home Credit (17%) và HD Saison (13%), ngoài ra còn Prudential Finance, Toyota Finance…  

Đáng chú ý, theo TS. Cấn Văn Lực, các công ty trên đều hoạt động có hiệu quả, nợ xấu thấp (xoay quanh 5%), tỷ lệ sinh lời cao (ROE 17-18%). 

Đặc biệt, đến nay, các công ty tài chính đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng. Đáng nói, hầu hết khách hàng của công ty tài chính là khách hàng “dưới chuẩn”, không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

Nhu cầu vay tiêu dùng vẫn đang tiếp tục tăng mạnh

Theo TS. Cấn Văn Lực, sự ra đời của các công ty tài chính đã góp phần rất tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ nhất, các CTTC đã giúp đẩy mạnh quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam. Việc tập trung vào phân khúc khách hàng ở độ tuổi từ 18-30, thu nhập hàng tháng từ 5-10 triệu VND, trong khi các NHTM tập trung vào những khách hàng từ 31-40 tuổi và có thu nhập cao hơn giúp các CTTCTD thâm nhập nhanh trên thị trường tài chính Việt Nam. Phân khúc khách hàng có thu nhập thấp chiếm khoảng 87% dân số (số liệu của FE Credit) trước đây không được các NHTM quan tâm đến, nay đã có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính từ các CTTC.

Thứ hai, các CTTC đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến tháng 4 năm 2017, các CTTC đã có số lượng nhân sự lên đến 40.000 người; trong đó, riêng FE Credit có đến 15.000 nhân viên. Số lượng nhân sự này không thua kém gì một NHTM lớn tại Việt Nam. Số lượng nhân viên này có được mức thu nhập nhất định, góp phần giảm nghèo trong xã hội.

Thứ ba, theo số liệu từ StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những Tổ chức tín dụng (TCTD), ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.

Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ những NHTM là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản đảm bảo; trong khi đó, thế mạnh của các CTTC là thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân vay tiền thay vì phải sử dụng “tín dụng đen”…v.v.

Ngoài ra, hoạt động tín dụng tiêu dùng góp phần thúc đẩy tiêu dùng, quay vòng vốn sản xuất-kinh doanh, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, dù phát triển nhanh, song  quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay chiếm 17% tổng dư nợ năm 2017 (so với tỷ trọng 20% của Trung Quốc hay 34% của ASEAN-5).

Công ty tài chính cũng chịu nhiều rủi ro

Thời gian vừa qua, một số tranh chấp xuất hiện trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng khiến nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm với công ty tài chính. Ts. Cấn Văn Lực chỉ ra, điều này xuất phát từ nhiều hạn chế trong thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.

Thứ nhất, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng, và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt. Chính điều này ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các CTTC phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Điều này làm mất thiện cảm đối với các CTTC cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Bên cạnh đó, thiếu thông tin, dữ liệu về khách hàng cũng gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùngnói riêng và các TCTD nói chung.

Tình trạng phổ biến ở nước ta là một khách hàng tại Việt Nam có thể có nhiều nguồn thu nhập, nhưng lại rất khó có thể xác minh. Nơi ở trên hộ khẩu và thường trú không trùng khớp, sử dụng nhiều số điện thoại cũng làm cho việc liên lạc, tìm hiểu khách hàng gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, vì chưa có nhiều người Việt sử dụng các sản phẩm tài chính nên họ không có lịch sử tín dụng.

Những yếu tố trên khiến các NHTM cần rất nhiều thủ tục giấy tờ  mới dám cấp tín dụng, còn công ty tài chính chấp nhận rủi ro, cho vay nhanh chóng, song lại phải để lãi suất cao để bù đắp rui ro.

Trang bị kiến thức tài chính cho người tiêu dùng là yếu tố quan trọng bậc nhất để thị trường phát triển lành mạnh

Trước tình trạng này, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, an toàn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đầu tiên, cần tăng cường giáo dục tài chính cho người tiêu dùng để họ nhận thức được sự khác biệt giữa sản phẩm của các NHTM và Công ty tai chính để có thể chọn ra được sản phẩm phù hợp. Việc giáo dục tài chính cũng giúp cho người tiêu dùng hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.

Thứ hai, các CTTCTD cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng, tăng cường quản lý rủi ro, đào tạo cán bộ. Trong điều kiện kiến thức tài chính của người dân còn thiếu, những việc trên sẽ giúp cải thiện được hiểu biết của họ về tài chính tiêu dùng, giúp giảm số lượng người mất khả năng chi trả và bảo vệ danh tiếng của chính công ty.

Thứ ba, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư.  

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện; nhằm đồng bộ hóa kế hoạch và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này.

Cuối cùng, người tiêu dùng cũng cần có hành động để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như của các CTTC. Trong đó, việc đầu tiên là phải trang bị cho bản thân và những người xung quanh kiến thức cơ bản về tài chính-ngân hàng, giúp họ quản lý tài chính cá nhân và gia đình tốt hơn, cũng như đảm bảo khả năng chi trả khi sử dụng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, những kiến thức này cũng giúp người tiêu dùng hiểu rõ về đặc tính sản phẩm, lãi suất và phí, điều kiện tín dụng khác để có thể đưa ra quyết định chính xác và phù hợp hơn.

Tin liên quan
Tin khác