Xem kỹ lãi vay tính theo phương thức nào
Nhân viên tín dụng tiêu dùng của một nhà băng chào mức lãi suất chỉ 7%/năm đối với khoản vay tín chấp có giá trị lên đến 900 triệu đồng. Tuy nhiên, nhân viên này lại không nói rõ, lãi suất được tính trên dư nợ ban đầu và phải duy trì khoản vay 60 tháng. Trong khi đó, thực tế lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp tại ngân hàng này đang áp dụng hơn 13%/năm (tính trên dư nợ giảm dần)...
Thực tế cho thấy, đối với khoản vay tiêu dùng, không chỉ ngân hàng, mà một số công ty tài chính vẫn áp dụng mức vay trên dư nợ ban đầu. Điều này dễ gây hiểu nhầm cho người vay, vì lãi suất trên dư nợ ban đầu thấp hơn tính trên dư nợ giảm dần.
Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính phổ ở mức 20-30%/năm theo dư nợ giảm dần, tùy từng khoản vay, nhưng chủ yếu là cho vay tín chấp (người vay không cần tài sản đảm bảo). Còn tại ngân hàng, khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất được tính ở mức 12-15%/năm, tính theo dư nợ giảm dần. Đối với khoản vay mua nhà, ngân hàng áp dụng dao động 8-9%/năm trong thời gian đầu giải ngân 3-12 tháng, sau đó cộng thêm biên độ 3-4,%/năm tùy từng nhà băng.
Tại SeABank, mức lãi suất cho vay mua nhà được ngân hàng này áp dụng từ nay đến cuối năm từ 4,9%/năm, với thời gian cho vay lên đến 35 năm và không giới hạn về hạn mức. Hết thời hạn ưu đãi, mức lãi suất cho vay được áp dụng khoảng 11-12%/năm. Còn với PVcomBank, mức lãi suất cho vay mua nhà là 9%/năm trong 6 tháng đầu, 10%/năm trong 12 tháng đầu tiên...
Áp lực lãi vay cao, cộng thêm khó khăn của kinh tế tác động lên thu nhập người dân, khiến cầu vốn tiêu dùng và mua nhà của cá nhân sụt giảm. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính giảm 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15%, khiến các công ty tài chính không dám cho vay.
Còn với tín dụng tiêu dùng bất động sản, NHNN cho hay, tính đến ngày 30/9, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với thời điểm 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Cần áp trần đối với lãi vay tiêu dùng
TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, Việt Nam hiện có mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác, nên cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Cũng theo TS. Thanh, kinh nghiệm một số nước như Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Còn ở Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12-48%/năm; tại Brazil là 30-70%; tại Mỹ là 8-36%/năm.
Đồng thời, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không chây ỳ trả nợ.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng sẽ đẩy lùi tín dụng đen. Thế nhưng, tình trạng “bùng nợ” gia tăng trong thời gian gần đây khiến nợ xấu lĩnh vực này tăng. Do đó, theo TS. Tuấn, phải tăng cường nhận thức đối với người đi vay. Vì nếu hôm nay, khách hàng “bùng nợ”, thì lịch sử tín dụng sẽ xấu, vì nợ xấu của khách hàng sẽ được ghi nhận trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và sẽ rất khó để vay trong tương lai.
Cũng theo TS. Tuấn, các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp xử lý triệt để tình trạng “bùng nợ”, vì đó là tình trạng vi phạm pháp luật. Nếu để tình trạng “bùng nợ” tồn tại sẽ làm mất niềm tin của các tổ chức tín dụng và công ty tài chính trong việc cung ứng vốn cho khách hàng, vì nếu vốn cho vay không thu hồi được sẽ kéo theo nợ xấu gia tăng, buộc phải trích dự phòng rủi ro cao. Hay nói cách khác, quyền hợp pháp là phải bảo vệ quyền của chủ nợ và xử lý nghiêm việc con nợ chây ỳ trả nợ, nhất là với những trường hợp “bùng nợ”.