Ảnh minh họa |
Chưa hết áp lực lãi vay
Lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang trên đà giảm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại hầu hết các nhà băng đều dưới 6%/năm. Mức lãi suất 5,5 - 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng - 24 tháng, còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, đều lùi về dưới 4%/năm. Thậm chí, lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng cổ phần còn thấp hơn lãi suất của nhóm “Big4” (Vietcombank, BIDV, AgriBank, Vietinbank).
Cụ thể, ngày 7/11, VPBank, VIB công bố biểu lãi suất mới, giảm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm online của VIB kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lần lượt là 3,8%/năm và 4%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 24 tháng giảm thêm 0,1 điểm phần trăm. Tại VPBank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 3,7%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng còn 3,8%/năm.
Lãi suất huy động đã giảm mạnh, song tốc độ giảm lãi suất cho vay vẫn còn khá chậm. Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng lý giải, do từ đầu năm nay đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành không cao, các ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao từ cuối năm 2022 và quý đầu năm 2023, nên dự kiến phải đến hết quý I/2024, mặt bằng lãi suất cho vay mới trở về mức trước đại dịch.
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp tung ra nhiều gói vốn giá rẻ, song cũng chỉ ưu đãi trong thời gian 6 tháng đến 1 năm.
PvcomBank áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 10%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối đa 25 năm với nhiều phương án trả nợ, cho phép ân hạn nợ gốc.
Lãi suất cho vay mua bất động sản tại Techcombank trong 6 tháng đầu là 8,5%/năm, trong 1 năm đầu là 9%/năm. ACB cho vay mua nhà với lãi suất trong năm đầu tiên khoảng 8%/năm; lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3%.
Đặc biệt, tại SeABank, mức lãi suất cho vay mua nhà áp dụng từ nay đến cuối năm 2023 chỉ từ 4,9%/năm, với thời gian cho vay lên đến 35 năm và không giới hạn về hạn mức. Hết thời hạn ưu đãi, mức lãi suất khoảng 11 - 12%/năm.
Các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc. Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà với lãi suất 8,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu và 9,7%/năm trong các năm sau đó; hoặc 8,5%/năm trong năm đầu; 9,3%/năm trong 2 năm đầu; 9,5%/năm trong 3 năm đầu...
Với khách hàng doanh nghiệp, tuy lãi suất cho vay đã giảm về mức 7 - 8%/năm và ưu đãi chỉ còn khoảng 6 - 7%/năm cho lĩnh vực xuất khẩu, nhưng cầu vốn của khách hàng rất chậm.
Tín dụng chảy chậm
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao, vì sức tiêu thụ của thị trường còn yếu, đầu ra gặp khó.
Thông tin được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng công bố tại Quốc hội đầu tuần này, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng 7,1% so với cuối năm 2022. Sau hơn 3/4 chặng đường của năm 2023, kết quả này mới đạt 50% so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng chậm được NHNN chỉ ra là: cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng đều giảm). Bên cạnh đó, NHNN cho rằng, tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây giảm sút về tốc độ, quy mô, do ít phát sinh dự án lớn...
Các chuyên gia của HSBC nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), nếu tình trạng “thừa tiền” trong ngân hàng tiếp tục kéo dài, cầu vốn của doanh nghiệp không có, thì lãi suất có khả năng giảm thêm, nhất là với lãi suất cho vay, vì ngân hàng buộc phải cho vay lãi suất thấp nhằm đảm bảo chi phí.
Vì thế, Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu ngân hàng rà soát lại các món vay cũ để hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.