Theo đó, một khi chi phí đầu vào tăng, cùng với tình hình hạn chế về room tín dụng, thì rất khó kỳ vọng giảm lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian tới.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam |
Nhận định của ông về mặt bằng lãi suất tiết kiệm VND hiện nay cũng như trong thời gian tới khi áp lực lạm phát được dự báo gia tăng?
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang tăng so với trước đây. Đồng thời, nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân, gồm vay tiêu dùng và vay mua nhà, cũng tăng mạnh sau đại dịch, nên việc một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay là bất khả kháng theo quy luật cung - cầu của thị trường, đặc biệt là vào 2 quý cuối năm khi nhu cầu vay vốn thường tăng cao.
Theo đó, để duy trì nguồn vốn kinh doanh, giữ chân khách hàng gửi tiền (để đảm bảo lãi suất thực dương), thì từ nay đến cuối năm, các ngân hàng hoàn toàn có thể tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng.
Chi phí đầu vào tăng, liệu ngân hàng có điều chỉnh lãi suất cho vay, thưa ông?
Theo tôi, mặt bằng lãi suất sẽ tương đối ổn định trong thời gian trước mắt, ít nhất là đối với các lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng khách hàng hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện.
Tuy vậy, trong tình hình tín dụng toàn ngành đã tăng hơn 8% chỉ trong 5 tháng đầu năm, thì không ít nhà băng đã cạn room và đang chờ Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Vì thế, với kỳ vọng vào đợt điều chỉnh room tới đây, lãi vay sẽ có điều kiện giảm. Nhưng mức giảm có thể sẽ không quá nhiều, khi chi phí đầu vào đang ngày một tăng lên.
Như vậy, lãi suất cho vay cá nhân, nhất là cho vay mua nhà, sẽ khó giảm?
Nói chung, trong điều kiện bình thường, các ngân hàng luôn cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để ít nhất là duy trì thị phần. Tuy vậy, tùy vào mỗi thời điểm, có thể sẽ có sự thay đổi hoặc biến động về các yếu tố đầu vào như chi phí vốn, chi phí vận hành, chi phí quản lý… và các yếu tố đầu ra như lợi nhuận mục tiêu, trần tăng trưởng tín dụng... của mỗi ngân hàng, nên lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng hoặc giảm.
Theo đó, như chúng ta đang thấy, nhiều yếu tố đầu vào của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên, như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành… Trong khi đó, áp lực về lợi nhuận từ cổ đông và cơ chế quản lý bằng trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể thay đổi, nên theo tôi, lãi suất cho vay cá nhân đang chịu áp lực tăng tương đối cao trong năm nay.
Tại Ngân hàng Shinhan, các mức lãi suất cho vay mua nhà đang áp dụng bình quân từ 8%/năm trở lên, tăng tương đối so với các quý trước và cuối năm ngoái 2021. Đồng thời, chúng tôi cũng chọn lọc khách hàng để cho vay cho đến khi có thông báo mới từ Ngân hàng Nhà nước về room tín dụng năm 2022.
Cầu vốn mua nhà, tiêu dùng của khách hàng cá nhân nửa đầu năm nay ra sao và nhận định của ông trong 6 tháng còn lại năm 2022 khi tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt và không ít ngân hàng hạn chế cho vay?
Như chúng ta đều biết, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần hồi phục và tiếp tục phát triển, dẫn đến nhu cầu về tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022. Tình hình cũng tương tự đối với tín dụng cá nhân, nhất là nhu cầu về vay vốn tiêu dùng, mua xe, mua và sửa chữa nhà ở của người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng về cho vay mua nhà, vay tiêu dùng tại Ngân hàng Shinhan cũng rất tích cực trong những tháng đầu năm. Hơn nữa, cầu về tín dụng cá nhân được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại.
Về chủ trương kiểm soát, hạn chế tín dụng bất động sản, như đại điện của Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần chia sẻ, chỉ áp dụng đối với các dự án có phân khúc lớn như xây dựng resort nghỉ dưỡng, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá. Riêng với phân khúc cho cá nhân vay mua nhà để ở, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn không hạn chế, thậm chí còn khuyến khích như đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy vậy, một khi room tín dụng hết hoặc còn lại quá ít, thì việc hạn chế giải ngân của các ngân hàng sẽ mở rộng cho hầu hết các mục đích sử dụng vốn.
Theo ông, nên lựa chọn thời điểm nào để vay vốn mua nhà là hợp lý trong năm?
Khi có nhu cầu vay vốn mua nhà ở, trước hết, khách hàng nên tìm đến các ngân hàng có các mức lãi suất cạnh tranh, song người vay cũng phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn do ngân hàng quy định, như phải có tài sản bảo đảm, có nguồn thu nhập ổn định để trả nợ, có lượng vốn tự có tối thiểu tham gia phương án vay (khoảng 20 - 30%)...
Khách hàng có thể lưu ý lựa chọn thời điểm thích hợp để tìm hiểu làm thủ tục vay như quý I, quý III, khi các ngân hàng chưa bị áp lực cao vì room tín dụng như các tháng đầu năm, hoặc khi họ vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room, hoặc khi vào mùa kinh doanh thấp điểm của ngành. Khi đó, mức lãi suất vay niêm yết có thể tốt hơn các thời điểm khác.
Với lĩnh vực bất động sản, do tình hình tổng room tín dụng hiện nay chưa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh, nên không chỉ riêng Shinhan, mà nhiều nhà băng khác cũng bắt đầu hạn chế rót vốn cho các chủ đầu tư dự án và chỉ duy trì phần nào phân khúc cá nhân vay mua nhà với số tiền không quá lớn.