Ngân hàng
Lãi suất cho vay trung, dài hạn chưa hấp dẫn doanh nghiệp
Thùy Vinh - 20/05/2015 10:24
Với chủ trương kích cầu tín dụng tạo đà tăng trưởng kinh tế năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1-1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Song thực tế, lãi vay vốn trung, dài hạn vẫn ở mức cao.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM mới đây, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cầu tín dụng năm nay sẽ cải thiện so với năm 2014, song muốn khơi được dòng chảy tín dụng, trước hết phải xem xét giảm thêm lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn ít nhất 1,5-2%/năm.

 

Với trần lãi suất huy động 5,5%/năm hiện nay, theo TS. Trần Du Lịch, việc giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn không ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Trong khi đó, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM, so với cùng kỳ năm trước, lãi suất cho vay phổ biến đã giảm 1 - 1,5%/năm, tùy từng kỳ hạn, nhưng nhìn chung, lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện vẫn phổ biến ở mức 10-11%/năm.

Trên thực tế, lãi suất huy động vốn hiện được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 4,77-5,02% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,3-5,99%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,03-6,94%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đã khiến người dân chuyển hướng gửi tiết kiệm dài ngày để hưởng lãi suất cao hơn trước bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa có dấu hiệu phục hồi. Đây chính là điều kiện tốt để ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, từ đó giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn, song trên thực tế, lãi suất vẫn chưa thể giảm như mục tiêu kỳ vọng.

Cũng theo ông Lịch, dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 3% mà doanh nghiệp phải trả lãi vay vốn trung - dài hạn 11%/năm là bất hợp lý, nên cần giảm lãi suất cho vay xuống 9-10%/năm thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn vay.

LS. Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội khóa VIII) cũng cho rằng, cần xem xét giảm lãi suất và giám sát chặt dòng tín dụng vào bất động sản, tránh tái diễn tình trạng “bong bóng” trên thị trường này.

Trước thắc mắc về lãi suất vốn cho vay trung, dài hạn còn cao, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM lý giải, mức lãi suất cho vay trung, dài hạn 10 - 11%/năm được các ngân hàng áp dụng chủ yếu rơi vào các khoản cho vay phi sản xuất. Còn lãi suất cho vay trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp xoay quanh mức 9%/năm. Riêng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là 8 - 9%/năm.

Tuy nhiên, mức lãi suất trên chỉ được các ngân hàng áp dụng cho các chương trình ưu đãi, còn lãi suất vay vốn trung, dài hạn phổ biến trên thị trường hiện nay vẫn là 11 - 12%/năm. Trong khi đó, theo TS. Trần Du Lịch, để thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất 1-1,5%/năm vốn trung, dài hạn cũng không cần thiết giảm thêm lãi suất huy động. Vì với mặt bằng lãi suất huy động bình quân 5,5-6%/năm hiện nay, TS. Lịch cho rằng, nếu cho vay ra 9-10%/năm đối với vốn trung, dài hạn là các ngân hàng cũng đã có cơ hội kiếm lời. Đó là chưa kể các khoản vốn cho vay khách hàng cá nhân, nhất là vay tiêu dùng biên lợi nhuận trong cho vay cao hơn rất nhiều (5-6%), thì việc kiếm lợi nhuận sẽ cao hơn.

Tin liên quan
Tin khác