Ngân hàng - Bảo hiểm
Rắc rối với áp dụng hay bỏ lãi suất cơ bản
Mạnh Bôn - 12/05/2015 14:52
Câu chuyện lãi suất cơ bản (LSCB) tưởng như đã bị lãng quên, nhưng cuối cùng lại trở thành đề tài nóng khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi trong buổi làm việc sáng nay.

Theo Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 200% LSCB (hiện là 150% LSCB) do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết hiện có 2 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi với lập luận, khống chế trần lãi suất dựa trên LSCB bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi. Áp dụng mức lãi suất trần theo cơ chế này vừa bảo đảm phù hợp được với tình hình phát triển chưa bền vững của nền kinh tế ở nước ta, vừa góp phần ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

“Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định một mức lãi suất cụ thể trong Bộ luật dân sự để đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay”, ông Cường cho biết và cũng thông tin thêm rằng, Chính phủ vẫn muốn sử dụng LSCB.

“Việc sử dụng lãi suất trần dựa trên LSCB còn bảo đảm tính linh hoạt trong điều chỉnh về lãi suất, vì LSCB không phải là cố định, khi có sự biến động của thị trường tiền tệ hoặc chính sách tiền tệ thì lãi suất này được điều chỉnh thích hợp”, ông Cường nói thêm.

Tuy nhiên, cả quan điểm sử dụng LSCB và lãi suất được ấn định ngay trong Bộ luật dân sự đều không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), ông Nguyễn Văn Giàu là một trong những người phản đối việc tiếp tục sử dụng LSCB.

Theo ông Giàu, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước phải công bố LSCB để chống cho vay nặng lãi là bị “cưỡng bức” do Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định vấn đề này.

“Điều hành chính sách tiền tệ chỉ có 3 loại lãi suất là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm chứ không hề tồn tại khái niệm LSCB. Thuật ngữ LSCB mà tài liệu, báo chí dịch từ nước ngoài thực ra không phải là LSCB. Nếu cứ căn cứ vào khái niệm LSCB được dịch từ nước ngoài thì trong trường hợp LSCB 0% sẽ lấy căn cứ gì để xét xử tội cho vay nặng lãi theo Bộ luật hình sự hoặc xử lý hành chính, tuyên bố hợp đồng vay vốn vô hiệu vì vi phạm pháp luật”, ông Giàu dẫn chứng.

Nếu bỏ LSCB, bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội băn khoăn không biết lấy căn cứ nào để xét xử tội cho vay nặng lãi, xử phạt vi phạm hành chính đối với người cho vay nặng lãi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Giàu cho biết, khi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông cũng rất băn khoăn về vấn đề này, vì thế đã nhiều lần đề nghị, thay vì căn cứ vào LSCB khi xử lý các tranh chấp liên quan đến lãi suất cho vay, cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào lãi suất cho vay bình quân của 10 ngân hàng thương mại lớn.

Đại diện cho cơ quan bảo vệ pháp luật, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Tống Anh Hào cũng không biết có cần thiết phải quy định LSCB hay không vì từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa một lần công bố LSCB.

“Nhiều vụ án liên quan đến quan hệ vay mượn, khi tòa xét xử chẳng biết lấy lãi suất nào làm căn cứ để phán xét bên cho vay có vi phạm tội cho vay nặng lãi hay không. Vì các tổ chức tín dụng thì được áp dụng lãi suất thỏa thuận theo Luật các tổ chức tín dụng, còn quan hệ vay mượn khác áp dụng LSCB, chẳng biết làm thế nào, tòa án gửi công văn hỏi Ngân hàng Nhà nước thì được trả lời vẫn áp dụng LSCB được công bố từ năm 2009. Từ năm 2009 đến nay, lãi suất cho vay trên thị trường đã thay đổi liên tục rất nhiều lần mà cứ áp dụng LSCB công bố từ năm 2009 để phán xử thì không ổn”, ông Hào chia sẻ.

Theo quan điểm của ông Hào, lãi suất là giá vốn, nên để tổ chức, cá nhân tự thỏa thuận, nhưng cũng phải có một mức lãi suất chuẩn nào đó để ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi.

“Sử dụng lãi suất nào cũng được, gọi tên lãi suất đó là gì cũng được nhưng phải giao cho cơ quan quản lý về thị trường tiền tệ công bố định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm làm cơ sở để cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở giải quyết các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến tội cho vay nặng lãi”, ông Hào xuất.

Vấn đề có sử dụng LSCB hay không sẽ ảnh hưởng, tác động đến rất nhiều giao dịch dân sự. Vì vậy, ông Phùng Quốc Hiển đề xuất, “nên để Quốc hội thảo luận”.

“Bộ luật dân sự hiện hành nghiêm cấm cho vay trên 150% LSCB. Bộ luật hình sự có khung hình phạt xử tội cho vay nặng lãi. Giả sử Quốc hội đồng ý bỏ LSCB thì có thả những người đang bị giam giữ vì tội cho vay nặng lãi, đình chỉ ngay các vụ án cả hình sự lẫn dân sự liên quan đến cho vay nặng lãi căn cứ vào LSCB hay không? Và có phải cấp tốc sửa Luật Ngân hàng Nhà nước, bãi bỏ tội cho vay nặng lãi căn cứ vào LSCB trong Bộ luật hình sự hay không?”, ông Hiển nêu kiến nghị.

Tin liên quan
Tin khác