Thời sự
Tín dụng đen: Lòng tham và lỗ hổng pháp lý
Hữu Tuấn - 02/08/2013 06:28
Vụ vỡ nợ tín dụng đen lên đến hàng trăm tỷ đồng vừa được phát hiện ở Lạng Sơn cho thấy, khi ham muốn làm giàu chóng vánh còn thường trực ở nhiều người và vẫn tồn tại lỗ hổng pháp lý trong việc xử lý hành vi huy động vốn với lãi suất cao, thì tín dụng đen vẫn còn “đất diễn”.

Thủ đoạn “xưa như trái đất”

Sau một thời gian tạm im ắng, tín dụng đen lại gây chấn động dư luận với vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng vừa được phát hiện tại Lạng Sơn. Trong một diễn biến mới nhất, Công an TP. Lạng Sơn đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Trung - Tạ Bích Liên (số nhà 33, đường Bà Triệu, TP. Lạng Sơn), sau khi có 16 nạn nhân tố cáo cặp vợ chồng này vay nợ của họ 298 tỷ đồng.

Những người bị hại tập trung trước cửa nhà vợ chồng Trung - Liên

Vụ việc khiến nhiều người sửng sốt, khi người dân ở Lạng Sơn đồn đoán rằng, số tiền mà cặp vợ chồng này nợ của nạn nhân lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Trong đó, nạn nhân có số tiền bị chiếm dụng nhiều nhất là 128 tỷ đồng, hai nạn nhân khác bị chiếm dụng trên 60 tỷ đồng, hàng chục chủ nợ cho vay số tiền từ dưới chục tỷ đồng đến vài ba chục tỷ đồng…

Ông Hoàng Anh, Trưởng Công an TP. Lạng Sơn cho biết, đây là vụ vỡ nợ tín dụng đen lớn nhất từ trước đến nay ở Lạng Sơn.

Cơ quan công an đang tích cực mở rộng điều tra, thu thập thông tin từ các nạn nhân.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra chưa xác định được mức thiệt hại cuối cùng, nhưng căn cứ những giấy tờ vay nợ, giấy biên nhận tiền… mà các nạn nhân cung cấp, khai báo, số tiền vợ chồng Trung - Liên chiếm dụng đang ở con số gần 300 tỷ đồng.

Cơ quan công an đang tạm giữ một xe Acura của vợ chồng Trung - Liên (đã thế chấp tại ngân hàng) để phục vụ công tác điều tra.

Điều đáng nói là, thủ đoạn “vay tiền và hứa trả lãi cao” để chiếm đoạt tiền của cặp vợ chồng Trung - Liên “xưa như trái đất”, từng xuất hiện trong nhiều vụ việc tương tự trước đó, như vụ Tạ Việt Quang chiếm đoạt khoảng 300 tỷ đồng xảy ra tại Đan Phượng (Hà Nội); vụ Nguyễn Thị Dậu chiếm đoạt khoảng 200 tỷ đồng ở Hà Đông (Hà Nội), vụ Nguyễn Thị Hoàng Hoa chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng xảy ra tại TP.HCM… và hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen quy mô từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng như ở Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị…

Thế nhưng, vẫn có hàng chục người mắc bẫy của Trung - Liên, trong đó có cả nạn nhân chạy thận nhân tạo. Nhiều người không có tiền cũng mang sổ đỏ đi cắm, hoặc vay anh em, họ hàng mang cho vợ chồng Trung - Liên vay để ăn chênh lệch lãi suất.

Lý do huy động vốn được cặp vợ chồng siêu lừa này đưa ra là làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Để nạn nhân tin tưởng, thỉnh thoảng, họ lại đưa một vài cán bộ đến nhà chơi, lắm khi chở cả bao tải tiền đến ngân hàng hoặc từ ngân hàng chở về. Họ còn sắm ô tô hiệu Honda CR-V, Acura ZDX và thường xuyên biếu tiền mặt, quà… cho chủ nợ để chứng tỏ mình là người làm ăn lớn.

Đặc biệt, tuyệt chiêu của cặp vợ chồng này là xây dựng được một mạng lưới chân rết gom tiền cho mình, nhưng các thành viên không ai biết ai.

Ai cũng nghĩ rằng, chỉ duy nhất mình làm đại lý gom tiền cho Trung - Liên và chỉ có mình đang trực tiếp “độc quyền” vay lãi thấp để hưởng lãi cao từ vợ chồng Trung - Liên.

Lòng tham và lỗ hổng pháp lý

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam nhận định, tín dụng đen là một cái bẫy gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng bẫy tín dụng đen vẫn sập ở nhiều nơi, từ nơi dân trí thấp tại nông thôn, cho tới nơi dân trí cao chốn thị thành.

Nguyên nhân của hiện tượng này rất đơn giản: lòng tham và hệ quả lớn hơn khi lòng tham đến từ cả hai phía: người cho vay (bao gồm cả thu gom để cho vay) và người vay. Ngoài lòng tham, sự nhẹ dạ của các nạn nhân còn bị gia tăng thêm bởi bề ngoài “hào nhoáng, thành đạt” và thủ đoạn tinh vi trong việc huy động vốn từ những người thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Thành, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình nhận xét, các vụ vỡ nợ liên hoàn xảy ra trong thời gian qua đều cho thấy, tất cả các khoản tín dụng đều không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần một tờ giấy ghi nợ.

Những đối tượng huy động vốn đánh đúng vào lòng tham từ việc được trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Vì vậy, nhiều người mang tài sản của bản thân, gia đình đến ngân hàng thế chấp vay vốn, sau đó cho vay lại với lãi suất cao hơn, trong khi người vay vốn lại không có tài sản gì đảm bảo cho việc trả nợ.

Các luật sư cho rằng, hành vi cho vay tín dụng đen với mức lãi suất cao là vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 163, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, những kẻ huy động tín dụng đen rất ma mãnh và do am hiểu luật pháp, giấy tờ cho vay luôn lách luật tài tình, lãi vay sẽ được cắt ngay từ khi giao vốn, nên khó quy kết đó là hành vi cho vay nặng lãi.

Mặt khác, kẻ huy động tín dụng hiểu rõ việc huy động vay vốn rồi vỡ nợ là hành vi dân sự, nếu không bỏ trốn thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, tín dụng đen sẽ vẫn có “đất diễn” và thậm chí sẽ ngày càng gia tăng.

Tin liên quan
Tin khác