Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất Fed, thương chiến Mỹ - Trung và Việt Nam
Hồ Quốc Tuấn - 06/08/2019 10:55
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa cắt giảm lãi suất chiết khấu 0,25%, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, đây chưa phải là tín hiệu bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Chiến tranh thương mại leo thang có thể khiến Fed phải tiếp tục giảm lãi suất USD để kích thích kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp 10% thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD.

Hai tin tức trên kéo thị trường cổ phiếu Mỹ, cùng với nhiều thị trường châu Âu và châu Á giảm điểm. Đáng chú ý là, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức cũng giảm, nghĩa là, giá trái phiếu các chính phủ này tăng, phản ánh dòng tiền đang rút vào cố thủ ở trái phiếu - một hành vi có thể cho thấy động thái phòng thủ.

Động thái phòng thủ phản ánh lo ngại của nhà đầu tư ở Mỹ và châu Âu rằng, thời gian tạm dừng của chiến tranh thương mại đã kết thúc. Sau khi Trump áp thuế hàng Trung Quốc, nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ trả đũa về thương mại.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài có thể tác động đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam theo nhiều hướng.

Thứ nhất, nhiều khả năng, chiến tranh thương mại leo thang sẽ khiến Fed phải tiếp tục giảm lãi suất USD để kích thích kinh tế, bù đắp cho tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Fed đã coi chiến tranh thương mại như là một trong những nhân tố chính để ra quyết định về lãi suất. Ngoài Mỹ, lãi suất nhiều đồng tiền chính khác cũng nhiều khả năng sẽ giảm, trong đó có euro, bảng Anh và nhân dân tệ, với cùng nguyên nhân là hỗ trợ nền kinh tế chống lại tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại.

Thứ hai, không chỉ là vấn đề lãi suất, Trung Quốc có thể phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ toàn diện, cho nhân dân tệ mất giá, bơm tiền vào nền kinh tế và nới lỏng kiểm soát với cho vay bất động sản.

Những động thái trên có thể tác động đến Việt Nam theo nhiều hướng. Việt Nam liên tục “được gọi tên” là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại trên những phương tiện truyền thông chính của Mỹ, vốn rất có ảnh hưởng đến giới chính trị. Một mặt, nó thể hiện dự đoán của giới kinh doanh rằng, dòng vốn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Dòng vốn này đổ vào Việt Nam cũng sẽ kéo theo kỳ vọng về sự bùng nổ bất động sản công nghiệp, cao ốc văn phòng và căn hộ cho thuê ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nó đặt ra hai vấn đề có tính tiêu cực lớn.

Đầu tiên, Việt Nam sẽ là tầm ngắm tiếp theo trong số các nước chịu sức ép bị Mỹ đánh thuế và mở rộng chiến tranh thương mại. Điều này có thể dễ dẫn đến xáo trộn trên thị trường, khi Mỹ thông báo một thông tin về triển vọng áp thuế hàng Việt Nam sang Mỹ.

Thứ hai, dòng vốn đổ vào sẽ đẩy USD giảm giá so với VND. Dòng vốn đổ vào dù là dưới dạng gì thì cũng sẽ làm tăng nguồn cung USD trên thị trường và đẩy giá USD giảm so với VND. Đây là thực tế đang diễn ra và khả năng can thiệp để mua USD vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang bị hạn chế do Việt Nam đã bị Mỹ xếp vào nhóm các nước bị theo dõi đối với hành vi thao túng tiền tệ.

Theo các tiêu chí xếp loại thao túng tiền tệ, Việt Nam thỏa mãn tiêu chí thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, mặc dù Việt Nam không  “can thiệp vào ngoại hối một chiều, tức là mua ròng ngoại hối trong 12 tháng liên tiếp với tổng số tương đương 2% GDP”. Năm 2018, Việt Nam chỉ mua vào ròng lượng ngoại tệ tương đương 1,7% GDP.

Vì vậy, NHNN sẽ rất thận trọng trong việc can thiệp mua ròng USD trên thị trường trong năm nay. Kết quả là, đà tăng của USD so với VND có thể sẽ tiếp tục, nên vốn nước ngoài vẫn tăng. Mặc dù con số FDI từ đầu năm 2019 đến nay được đánh giá là giảm so với cùng kỳ năm 2018, song vẫn khá cao và đó là chưa tính các loại vốn khác như đầu tư mua cổ phần, đầu tư qua các hợp đồng EPC... Do đó, nhiều khả năng, vốn ngoại vào Việt Nam trong mấy tháng cuối năm vẫn ở đà tăng. Vốn vẫn vào, thì USD vẫn dư và vẫn chịu sức ép mất giá so với VND.

Đồng nội tệ tăng giá so với USD sẽ gây tổn hại cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu trong dài hạn, trong khi Việt Nam hưởng lợi gì từ dòng vốn đang đổ vào (ngoại trừ khiến giá tài sản như bất động sản tăng) là điều chưa thể biết. Nhưng chắc chắn, nếu VND tiếp tục tăng giá so với USD, thì NHNN sẽ rất đau đầu trước sức ép của doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi một số doanh nghiệp sẽ tăng nhu cầu đi vay bằng ngoại tệ.

Ở một khía cạnh khác, vốn ngoại đổ vào nhiều và bất động sản nóng lên sẽ kích thích nhu cầu vốn dài hạn trong nền kinh tế. Những thông tin gần đây cho thấy, mặc dù lãi suất ngắn hạn có chiều hướng giảm, lãi suất huy động dài hạn trong nền kinh tế đi theo chiều hướng tăng, nên lãi suất cho vay dài hạn cũng sẽ tăng, điển hình là các vụ phát hành trái phiếu với lãi suất 14 - 15% và xu hướng tìm vốn qua trái phiếu quốc tế.

Những yếu tố phân tích trên tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bất ổn hơn, lên xuống thất thường theo nội dung trên Twitter của Tổng thống Donald Trump về Việt Nam. Về dài hạn, khi dòng vốn nóng không còn nữa, bất ổn tỷ giá và các phi vụ trái phiếu lãi suất cao sẽ quay lại trở thành những quả bom sẵn sàng gây đổ vỡ cho thị trường tài chính. Khi thủy triều rút, người ta sẽ biết bao nhiêu rác đã được vứt xuống biển. Nhưng khi đó, có thể đã quá trễ.

Tin liên quan
Tin khác