Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để ổn định lãi suất như hiện nay. Song lãi suất cũng khó tăng cao.
Ngân hàng HSBC nhận định, NHNN sẽ giữ lãi suất trên thị trường mở (OMO) không đổi đến hết nửa đầu năm 2017, dù áp lực giảm phát dần đi xuống và tăng trưởng kinh tế 2016 được dự báo thấp hơn năm 2015. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 5/2016 vừa được HSBC công bố, áp lực giảm phát đã dần đi xuống, nhưng NHNN sẽ không vội tăng lãi suất. Trong khi đó, lạm phát toàn phần vẫn tiếp tục tăng trong tháng 4, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Khả năng tín dụng 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng hơn so với nửa đầu năm |
Giảm được lãi suất trước diễn biến thị trường hiện nay không phải là điều dễ, dù Chính phủ và NHNN đã có yêu cầu. Trước khi tính tới chuyện tìm cách giảm lãi suất cho vay, cần phải tìm hiểu vì sao mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, trong khi nhu cầu vốn trên thị trường vẫn bình thường, chưa có gì đột biến. Hơn nữa, do các ngân hàng phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nên khó lòng giảm lãi suất được.
Tương tự, trong huy động trái phiếu chính phủ mấy năm trước đây, ngân sách nhà nước chủ yếu huy động thời hạn ngắn để đầu tư cho các công trình, dự án có thời gian hàng chục năm, để rồi đến thời điểm đáo hạn, lại phải huy động ngắn hạn để đáo hạn, nên lãi suất trái phiếu chính phủ tăng liên tục và ở mức rất cao. Vì thế, các ngân hàng, thay vì huy động vốn để cho doanh nghiệp vay, lại tham gia tích cực vào đấu thầu trái phiếu chính phủ. Doanh nghiệp muốn vay phải chấp nhận lãi suất cao hơn.
Trong những ngày đầu và giữa tháng 6/2016, các ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất tiền gửi. Từ ngày 14/6, Viet Capital Bank đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm, với mức tối đa lên đến 7,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn.
Các ngân hàng cho rằng, có thể do NHNN đã mua vào khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối đồng nghĩa với việc đã có hơn 150.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường, nên thanh khoản toàn hệ thống dồi dào hơn. Điều này được thể hiện khá rõ qua diễn biến trên thị trường 2, khi lãi suất bình quân liên ngân hàng thời gian qua có xu hướng giảm.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng, khả năng tín dụng 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng hơn so với nửa đầu năm, vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn tăng cao trong những tháng cuối năm khi thời điểm kinh doanh vào mùa. Tuy nhiên, để kỳ vọng lãi suất giảm sâu thêm so với hiện nay là rất khó, nhưng mặt bằng lãi suất cũng sẽ khó tăng mạnh, bởi nếu lãi suất tăng thì sẽ khó kích cầu được tín dụng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm, nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 17-18% là khả thi, thậm chí dự báo còn đưa ra mức tăng trưởng cao hơn.