Lãi suất cho vay có thể tăng trong quý II
Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng SHB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tăng lãi suất chính sách từ quý III/2016. Trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2016 sẽ tăng nhẹ 50 điểm.
Thực tế, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư) chưa có dấu hiệu nguội, thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng mấy tuần qua đã có dấu hiệu nóng lên. Suốt 3 tuần qua, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và đã chạm ngưỡng trên 5%/năm ở cả ba kỳ hạn.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) xác nhận, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất (tăng 04%), lên mức 5,05%; kỳ hạn một tuần tăng 0,24%, lên mức 5,01%. Đồng thời, chênh lệch lãi suất kỳ hạn giữa ba kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần gần như không còn.
Từ quý II/2016, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực do động thái tăng lãi suất huy động trong quý I |
Với diễn biến như trên, VCBS nhận định: “Từ quý II/2016, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực do động thái tăng lãi suất huy động trong quý I”.
Lãi suất cho vay ổn định ở mức khá cao và có nguy cơ tăng lên trở thành mối lo của nền kinh tế. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nếu lãi suất tiếp tục tăng, toàn bộ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sẽ đổ sông, đổ bể.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh, song việc mặt bằng lãi suất nói chung đều nhấp nhổm đi lên đã ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh, niềm tin kinh doanh, nhất là khi tăng trưởng kinh tế quý I/2016 có dấu hiệu chững lại, hơn 20.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề quan trọng nhất của Chính phủ thời gian tới là phải xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề lãi suất. “Dù lãi suất gần đây khá ổn định, song vẫn ở mặt bằng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Lãi suất cần giảm ít nhất 1%
Một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, dư địa chính sách gần như cạn kiệt, giảm lãi suất là giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, tổng dư nợ của nền kinh tế là gần 5 triệu tỷ đồng. Nếu lãi suất giảm 1%, thì doanh nghiệp có thể giảm chi phí 50.000 tỷ đồng. Không công cụ thuế nào có thể hỗ trợ doanh nghiệp mạnh như thế.
“Giảm lãi suất 1% cũng sẽ giúp Chính phủ giảm được 2.500 tỷ đồng trả lãi huy động trái phiếu. Chưa kể, từ năm 2011 đến nay, lãi suất có quan hệ chặt với thị trường chứng khoán, giảm lãi suất sẽ làm thị trường chứng khoán tăng đáng kể, từ đó giúp doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu để huy động vốn”, vị lãnh đạo này nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, lãi suất dù đã giảm 50% so với “đỉnh” năm 2011, song vẫn quá cao so với lạm phát và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Vì vậy, điều mà các doanh nghiệp mong mỏi ở Chính phủ mới là mặt bằng lãi suất không những được giữ ổn định, mà cần tiếp tục được giảm thêm nữa, ít nhất 1%.
Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN khuyến cáo, nếu lãi suất năm nay tăng 1 - 2% so với năm 2015, không thể đơn giản nói rằng, doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất - kinh doanh bình thường như năm ngoái.
Dù lãi suất khó giảm do áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ, tăng trưởng tín dụng, thanh khoản ngân hàng, chính sách thắt chặt cho vay trung, dài hạn…, song giới chuyên gia cho rằng, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN có thể nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu NHNN để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng. Chính phủ cũng cần có những giải pháp quyết liệt để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm huy động trái phiếu chính phủ.