Liệu lãi suất cho vay có tăng lên trong thời gian tới khi lãi suất huy động vốn đang có xu hướng tăng lên, thưa ông?
Trường hợp lãi suất huy động tiếp tục tăng trong năm nay thì lãi suất cho vay cũng sẽ có diễn biến tăng. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ OCB, mà các ngân hàng khác có sự phân cấp lãi suất rõ rệt theo kỳ hạn vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và theo từng đối tượng khách hàng, loại tài sản bảo đảm theo những tiêu chí phân loại của Thông tư 41/2016/NHNN (quy định theo chuẩn mực quốc tế của Basel II). Theo đó, khi vay vốn tại OCB, khách hàng sẽ được tham gia chương trình ưu đãi lãi suất và được phân cấp theo các tiêu chí của Ngân hàng. Cụ thể, với khách hàng được đánh giá tín dụng tốt có thể được áp dụng mức lãi suất chỉ 5,99%/năm.
. |
Như vậy, có thể thấy, mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng mức lãi suất cho vay của ngân hàng theo từng phân khúc, loại tài sản đảm bảo vẫn hấp dẫn khách hàng.
Ông đánh giá thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng trong năm nay? Liệu diễn biến thị trường và chính sách tiền tệ có tác động tích cực đến hoạt động cho vay?
Việc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 theo hướng ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cung tiền hợp lý sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thêm vào đó, với việc thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục, đặc biệt là phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp, tôi cho rằng, tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện tích cực và tăng trưởng tốt trong năm nay.
Năm 2017, NHNN có định hướng một số chỉ tiêu như tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%; tín dụng tăng 18%, tiếp tục theo đuổi chính sách ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016…
Với sự khẳng định của NHNN về việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tôi tin rằng, chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng dư nợ năm 2017, nhằm bảm đảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Tuy nhiên, tăng trưởng không có nghĩa là không kiểm soát rủi ro, mà công tác giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng sẽ được cải thiện hơn so với năm 2016.
Việc NHNN vừa ban hành Thông tư 39/2017/TT-NHNN khiến thị trường có những cách hiểu khác nhau về quy định cho vay hộ kinh doanh. Thông tư này sẽ tác động ra sao đến hoạt động cho vay của ngân hàng, thưa ông?
Thông tư 39/2017/TT-NHNN là một chính sách có tác động rất lớn trong việc triển khai cho vay trong năm 2017 của các ngân hàng. Thông tư này có nhiều thay đổi so với Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về một số khía cạnh, như đối tượng khách hàng, phương thức cho vay, lãi suất, cơ chế tính lãi, nợ quá hạn…, trong đó nổi bật nhất là làm rõ lãi suất cho vay, phương thức cho vay, nợ quá hạn. Việc làm rõ các điều kiện, tiêu chí liên quan đến cho vay phù hợp với thị trường giúp các ngân hàng dễ dàng áp dụng trong quá trình triển khai kinh doanh.
Như vậy, quy định mới sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay mạnh mẽ hơn.
Việc thỏa thuận lãi suất trong quy định mới liệu có gây tâm lý lãi suất cho vay tăng khi quy định đi vào thực thi?
Thuật ngữ “thỏa thuận lãi suất” đã thể hiện đúng bản chất của tín dụng là sản phẩm của kinh tế hàng hóa.
Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh hiện nay, việc quy định mức lãi suất vay về đúng quy luật cung - cầu rất khó gây ra tâm lý lãi suất cho vay tăng khi đi vào thực thi. Lý do là, ngân hàng kinh doanh nhằm mục tiêu là mang lợi nhuận cao nhất có thể, nhưng khách hàng cũng có rất nhiều người cho vay để lựa chọn và tất nhiên, khách hàng chỉ đến với ngân hàng có mức lãi suất phù hợp. Do vậy, chính ngân hàng phải tự cân đối nguồn vốn, chi phí, rủi ro… để đưa ra mức lãi suất phù hợp nhằm thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, nếu không sẽ tự đào thải mình ra khỏi “cuộc đua” khốc liệt trên thị trường hiện nay.