Dư địa giảm lãi suất còn rất nhỏ
Khoảng 3 tuần qua, thị trường đã chứng kiến trên chục ngân hàng tăng lãi suất huy động. Tuy mức điều chỉnh không lớn, song đã nhen nhóm một mặt bằng lãi suất mới. Theo đó, lãi suất kỳ hạn ngắn hầu hết đã được dâng lên chạm trần, còn lãi suất huy động kỳ hạn dài đã lên tới 8%/năm.
. |
Theo khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), từ giữa tháng 6/2016 đến nay, lãi suất huy động kỳ hạn dài đã tăng tới 0,7% so với cuối năm 2015. Còn lãi suất cho vay cũng đã tăng 0,3-0,5%. Chính Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng thừa nhận sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát.
"Sức ép lạm phát sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao, bởi hiện nay, nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay, là rất cần thiết", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân hàng tăng lãi suất không có gì đáng ngạc nhiên bởi đang chịu rất nhiều tác động: lạm phát nhiều khả năng tăng cao; tỷ giá chịu nhiều áp lực, bất ổn nảy sinh từ sự kiện Brexit, ngân hàng phải cạnh tranh các kênh đầu tư tài chính khác như: chứng khoán, bất động sản trong thu hút tiền gửi; trái phiếu chính phủ phát hành lớn; ngân hàng phải tăng huy động vốn để đáp ứng các yêu cầu quản trị rủi ro mới… Chung nhận định này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. Lạm phát có nguy cơ tăng trở lại khiến lãi suất dài hạn sẽ tiếp tục tăng lên.
Chọn lạm phát hay chọn tăng trưởng?
Những thông điệp gần đây cho thấy, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay. Để hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ đang yêu cầu ngành ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất.
Thế nhưng, hạ lãi suất không phải là câu chuyện đơn giản, mà là bài toán chọn tăng trưởng hay chọn lạm phát, vì nếu chọn tăng trưởng, có nghĩa NHNN phải tăng cung tiền. Biện pháp này có thể giảm lãi suất, kích thích tăng trưởng kinh tế, song cũng đồng nghĩa với lạm phát và bất ổn có thể quay lại. Còn nếu chọn kiềm chế lạm phát, NHNN có thể sẽ phải siết cung tiền, đồng nghĩa với lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng, nền kinh tế có thể sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Theo nhận định mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thời gian tới, NHNN sẽ phải thận trọng trong việc cung tiền trong bối cảnh lạm phát tăng trở lại. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo, NHNN không nên vội vàng siết tín dụng cực đoan, kể cả trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định chưa thực sự chắc chắn hiện nay, khả năng NHNN sẽ không tăng hay siết thêm cung tiền mà sẽ giữ ở mức độ ổn định. "Nếu nhìn một cách tổng thể, chính sách tiền tệ hiện nay vừa phải gánh trách nhiệm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô. Cho nên, mọi lựa chọn đều khó khăn, song tôi nghĩ, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định”, ông nói.
Tín hiệu đáng mừng là gần đây, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính để giảm lãi suất trái phiếu chính phủ, từ đó giảm áp lực lên lãi suất thị trường. Trong khi đó, chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thị trường tiền tệ, để điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để ổn định lãi suất huy động và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.