PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân). |
Ông có bất ngờ khi lãi suất điều hành của Việt Nam liên tục giảm, đi ngược với xu hướng của nhiều nền kinh tế trên thế giới?
Khác với nhiều nước trên thế giới, lần nào NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành cũng khiến giới phân tích kinh tế, doanh nghiệp và người dân bất ngờ, không thể dự đoán. Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển, trước khi điều chỉnh hay giữ nguyên lãi suất cả tháng, giới phân tích kinh tế, nhà đầu tư tài chính và người dân đều có thể dự đoán được, thậm chí có thể dự đoán khá chính xác mức độ điều chỉnh.
Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp vào những ngày cố định trong tháng để đưa ra các quyết định quan trọng, trong đó có điều hành lãi suất. Vì thế, giới đầu tư dễ dàng đoán được “suy nghĩ” của “giới chóp bu” Fed căn cứ vào chỉ số lạm phát, tình hình thất nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Đặc biệt, lộ trình điều chỉnh tăng hoặc giảm đã được Fed thông báo từ nhiều tháng trước, nên không gây “sốc phản vệ” cho thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Ông nhận định thế nào về việc giảm lãi suất liên tiếp trong vòng 3 tháng gần đây?
Một cách ngắn gọn, đó là sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của NHNN.
Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội rất lo lắng trước hoạt động sản xuất, kinh doanh trầm lắng, đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp rời khỏi thị trường gia tăng, khiến người lao động thiếu việc, mất việc gia tăng, thu nhập người lao động và đời sống người dân bị giảm.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp tháng 5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán, thậm chí bán bằng nửa giá trị thực cũng bán.
Hiện tượng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân rất quan trọng là doanh nghiệp thiếu nguồn tiền, không dám vay tiền để tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động do lãi suất quá cao so với lợi nhuận có thể thu lại được. Vì thế, việc NHNN giảm lãi suất dù bất ngờ, nhưng chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp và các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao. Dẫu vậy, việc điều chỉnh lãi suất nếu có lộ trình vẫn tốt hơn, đặc biệt là việc tăng lãi suất.
Nhưng dù sao điều hành lãi suất của Việt Nam vẫn đi ngược với xu hướng của các nền kinh tế đầu tàu thế giới?
Đi ngược xu hướng, nhưng không đi ngược quy luật. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, vì lãi suất tăng tạo điều kiện thu tiền về do người dân gửi tiền vào nhà băng tăng, trong khi tiền bơm ra lưu thông giảm sẽ hạn chế doanh nghiệp, người dân vay tiền ngân hàng.
Ở Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; so với tháng trước, CPI tháng 3 và tháng 4 liên tục giảm khiến CPI tháng 4/2023 chỉ tăng 0,39% so với tháng 12/2022 và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Việt Nam có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm tiền ra nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn để phục hồi và mở rộng hoạt động, tạo việc làm.
Trong điều kiện này, việc NHNN giảm lãi suất phù hợp với tình hình thực tế, bởi tình trạng thiếu việc, mất việc gia tăng trong 2 tháng gần đây do doanh nghiệp rời khỏi thị trường quá nhiều. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 49.900 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 465.000 tỷ đồng, đăng ký sử dụng 331.400 lao động, giảm 26,8% về vốn đăng ký và giảm 4,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, có 49.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, gần 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 6.100 doanh nghiệp đã vĩnh viễn không tồn tại; tăng tương ứng 21,8%, gần 40% và trên 10% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số báo động, nếu không kịp thời giảm lãi suất, hoạt động của doanh nghiệp chắc chắn còn “bi đát” hơn nữa.
Lạm phát và lãi suất như chiếc bình thông nhau, lạm phát đang thấp, theo ông, có thể tiếp tục giảm lãi suất được nữa không?
Tôi cho rằng, cần phải mạnh dạn hạ tiếp lãi suất căn cứ vào mức độ hấp thụ vốn trên thị trường. Trong trường hợp mức độ hấp thụ vốn gia tăng, lãi suất huy động có thể hạ xuống ngang với mức lạm phát, tức là từ bỏ quan điểm lãi suất thực dương như nhiều nước trên thế giới vẫn làm.
Khi lãi suất huy động thấp, doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận lãi suất cho vay thấp, mới tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Người dân khi gửi tiền thấy không có lợi, thì đầu tư, kinh doanh hoặc chi tiêu, khiến cầu tăng, qua đó thực hiện chính sách kích cầu.
Có thể nói, chính sách tiền tệ được điều hành rất linh hoạt, còn chính sách tài khóa thì sao, thưa ông?
Chính sách tiền tệ không bao giờ tách khỏi chính sách tài khóa và ngược lại. Từ khi nền kinh tế gặp khó khăn do Covid-19, chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt hơn, nhưng vẫn khá chậm so với thực tế và so với chính sách tiền tệ.
Trong chính sách tài khóa, thì gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và giảm thuế giá trị gia tăng được xem là hiệu quả nhất, vì đến được trực tiếp doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhưng chính sách này được ban hành khá chậm. Năm ngoái, cuối tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP để giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, thì năm nay, việc giảm thuế mới được trình Quốc hội thảo luận. Hy vọng, Quốc hội chấp thuận đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và gián tiếp cải thiện thu nhập cho người dân.