Lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc cao gấp 7,58 lần cùng kỳ |
Kinh doanh khởi sắc nhờ làn sóng bất động sản khu công nghiệp
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm 2021. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý I đạt gần 2.002 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp này.
Hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản đã mang về 1.904 tỷ đồng doanh thu cho Kinh Bắc. Trong khi giá vốn mảng kinh doanh này chỉ hơn 830 tỷ đồng. Với tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu cao, công ty thu về 1.123 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù các khoản chi phí đều tăng mạnh, đặc biệt là chi phí bán hàng tăng từ 12,6 tỷ đồng lên 107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc vẫn gấp 7,58 lần cùng kỳ, đạt 714,54 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc được so sánh với mức nền thấp của năm 2020. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn khiến doanh nghiệp này đạt được mức tăng trưởng "khủng" trên, theo lý giải của lãnh đạo công ty, là do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.
Làn sóng các công ty đa quốc gia tìm kiếm quỹ đất để xây dựng nhà máy sản xuất mới ngoài Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho Kinh Bắc nói riêng và các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nói chung. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi giữa tháng 4/2021, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Kinh Bắc City cho biết khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (đã được phê duyệt cuối năm 2020 và đang làm thủ tục để đón nhà đầu tư) đã có một tập đoàn lớn thuê 62,7 ha để sản xuất công nghệ cao và điện thoại di động toàn cầu. Một số tập đoàn điện tử của Đài Loan, Singapore, Hong Kong sản xuất AirPods và iPad đều đến khu công nghiệp này. Ngoài ra, dự án khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (687 ha) nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2020 sẽ đón nhận nhà đầu tư rất lớn trong năm 2021.
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này đã đưa ra hai bản kế hoạch kinh doanh. Trong phương án khả quan, công ty dự kiến doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 816 tỷ đồng. Còn ở phương án tích cực hơn, Kinh Bắc đặt mục tiêu thu về 3.600 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Với kết quả ghi nhận trong quý đầu năm, kế hoạch lợi nhuận đã hoàn thành đến 88% mục tiêu thận trọng.
Phải thu khách hàng tăng gần 1.300 tỷ đồng kéo thâm hụt dòng tiền
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng mạnh của doanh thu, giá trị các khoản phải thu khách hàng cũng tăng mạnh chỉ sau ba tháng, từ mức 1.385 tỷ đồng vào cuối năm 2020 lên 1.862 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021. Trong hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu ghi nhận trong quý I vừa qua có một phần khá lớn là tiền chưa về.
Việc gia tăng các khoản phải thu khách hàng cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 235 tỷ đồng, nhiều hơn mức thâm hụt dòng tiền quý I/2020.
Cùng đó, Kinh Bắc còn mạnh tay chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác, trong đó phải thu cho vay Saigontel tăng 220 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tương đương tiền tại công ty vì vậy giảm từ 1.050 tỷ đồng xuống 643 tỷ đồng.
Đến cuối quý I/2021, các khoản phải thu ngắn và dài hạn của Kinh Bắc xấp xỉ 2.152 tỷ đồng, tương đương 8,5% quy mô tổng tài sản (25.279 tỷ đồng). Tồn kho chiếm gần một nửa tài sản, bao gồm giá trị của các khu công nghiệp mà công ty đang đầu tư. Trong hơn 11.200 tỷ đồng giá trị tồn kho, chi phí sản xuất dở dang tại Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát đã chiếm tới gần 65% với giá trị 7.273 tỷ đồng.