Hồ thủy lợi P’róh (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: V.L |
Đủ kiểu “xẻ thịt” lòng hồ thủy lợi
Hồ chứa nước P’róh (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được đầu tư xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng năm 1986 và được sửa chữa, nâng cấp năm 2004. Với dung tích 3,22 triệu m3, hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 515 ha lúa và rau màu, kết hợp nuôi cá, cải tạo môi trường và tạo điểm văn hóa cho đồng bào.
Hồ P’róh được UBND tỉnh phân cấp và giao Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý, khai thác; Trạm quản lý khai thác thủy lợi Đơn Dương là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa nước P’róh.
Năm 2017, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng đã lập hồ sơ cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập và hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh, được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐSTNMT ngày 21/12/2017 và đã tổ chức cắm 69 mốc chỉ giới ngoài thực địa, bàn giao bản đồ ranh giới vị trí cắm mốc cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương, UBND xã Pró.
69 mốc trên gồm 11 mốc bảo vệ đập và 58 mốc phạm vi lòng hồ, được đúc và chôn theo mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Thế nhưng, kết quả rà soát mới đây từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, hồ thủy lợi này đã mất đến 54 mốc.
Cùng với đó, khu vực hạ lưu đập, trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước P’róh bị nhiều cá nhân và doanh nghiệp thi nhau lấn chiếm để trồng rau màu và lắp dựng chòi để chứa dụng cụ, phân bón, với diện tích lấn chiếm lớn. Hành vi này diễn ra trong thời gian dài và cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian xử lý.
Riêng với Công ty TNHH Du lịch Pró, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, doanh nghiệp này có đến 4 hành vi vi phạm, gồm chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, với tổng diện tích 1.579 m2 tại xã Pró, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn với diện tích 1.027 m2; làm lều, quán, tường, xây dựng công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với diện tích 258 m2; đắp đập ngăn nước và làm cầu phao chắn ngang khe suối chính đổ về hồ P’róh.
Hiện UBND huyện Đơn Dương đã hoàn thành kiểm tra, xác định các hành vi vi phạm, đang tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm hành chính, các trường hợp không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Cho rằng, các cơ quan cấp dưới đã thực hiện việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa nước P’róh kịp thời, đúng chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp không xử lý và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật nào.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đã đề nghị UBND huyện Đơn Dương không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước P’róh. “Đối với những trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình, trước thời điểm cắm mốc chỉ giới, chỉ được sử dụng đất với mục đích trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, không được đào đất, san gạt”, vị lãnh đạo này cho biết.
Không chỉ hồ P’róh, tình hình vi phạm hành lang bảo vệ công trình hồ chứa nước Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) cũng diễn ra hết sức phức tạp. Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng, ngày 14/6/2022, đơn vị này phát hiện một máy múc đào đắp trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình với chiều dài khoảng 80 m, rộng khoảng 17 m. Vị trí vi phạm thuộc tổ 2, thị trấn Lộc Thắng, xung quanh được rào kín, khóa cổng, nên không thể tiếp cận, máy múc thường hoạt động vào buổi trưa và ban đêm.
Đến ngày 15/6/2022, đơn vị quản lý và UBND thị trấn Lộc Thắng đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản. Tuy nhiên, đối tượng vi phạm đã bỏ đi, nên không xác định được đối tượng vi phạm. Hiện việc vi phạm đã tạm dừng, máy đào được di dời khỏi hiện trường, nhưng có khả năng tái diễn trong thời gian tới.
Ngoài ra, còn nhiều hành vi vi phạm tồn tại từ những năm gần đây chưa được xử lý dứt điểm, do không có đầy đủ hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngày 16/6/2022, UBND tỉnh đã đề nghị UBND huyện Bảo Lâm khôi phục hồ sơ, bản đồ đền bù, giải phóng mặt bằng và chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Lộc Thắng. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến ngày 18/7/2022, cơ quan này chưa nhận được thông tin từ UBND huyện Bảo Lâm để có hướng xử lý tiếp theo.
Ký hợp đồng kinh tế không đúng quy định
Không chỉ hồ thủy lợi P’róh, hồ Lộc Thắng…, mà hồ Xuân Hương (nằm giữa lòng TP. Đà Lạt) mới đây cũng bị “ký sinh” để kinh doanh du lịch trái phép. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hoạt động của Công ty TNHH Limi trong hành lang bảo vệ hồ Xuân Hương (một nhà bán vé và 30 thuyền máy) vừa bị phát hiện là không đảm bảo an toàn và không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phương tiện hoạt động trên mặt nước không đảm bảo an toàn, như các thuyền khi hoạt động trên mặt hồ luôn ở trạng thái bị nghiêng về một bên, rất nguy hiểm đến tính mạng du khách; không đảm bảo an toàn đối với phương tiện đường thủy.
Hoạt động này chưa được UBND tỉnh cấp phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi quy định tại Chương IV, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, hoạt động du lịch bằng thuyền máy ở hồ Xuân Hương chưa đảm bảo quy định của pháp luật về di sản (hồ Xuân Hương là Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia).
Ngoài ra, hoạt động du lịch bằng thuyền máy của Công ty TNHH Limi chưa đảm bảo các quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước (thực tế cho thấy phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn) và chưa phù hợp với quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương.
Đáng chú ý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Hợp đồng kinh tế số 91/HĐ-KT ký kết ngày 19/10/2021 giữa Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác Công trình thủy lợi Đà Lạt và Công ty TNHH Limi không phù hợp với quy định của pháp luật, vì hoạt động này chưa được UBND tỉnh cấp phép theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, hồ Xuân Hương vừa là công trình thủy lợi, vừa là một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, đồng thời thuộc khu vực có thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, các hoạt động và dự án tại khu vực hồ Xuân Hương cần được đầu tư đồng bộ, tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm TP. Đà Lạt.
“Các hoạt động kinh doanh dịch vụ phát sinh trên mặt hồ Xuân Hương cần phải đảm bảo an toàn; đảm bảo tuân theo quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương; cần được đầu tư một cách đồng bộ và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, để được cấp phép và hoạt động đảm bảo an toàn trên mặt hồ Xuân Hương, doanh nghiệp cần phải được UBND tỉnh cấp phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi quy định tại Chương IV, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP”, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trả lời Công ty TNHH Limi.
Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, dự án đầu tư được phê duyệt cần phải đáp ứng các yêu cầu như phương tiện hoạt động phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đảm bảo theo các quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; đảm bảo quy định của pháp luật về di sản; phù hợp với quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương…
Trong thời gian thực hiện thông báo trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty TNHH Limi khẩn trương di dời toàn bộ phương tiện trên mặt hồ Xuân Hương và các hạng mục xây dựng trong hành lang bảo vệ hồ Xuân Hương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) vừa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cung cấp thông tin liên quan đến các vi phạm hành hang bảo vệ hồ thủy lợi Đạ Hàm.
Theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đạ Tẻh, ngày 14/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 1574/SNN-TL yêu cầu Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng báo cáo tình hình vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Đạ Hàm, huyện Đạ Tẻh.
Ngày 25/7/2022, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng có báo cáo về việc tình hình vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Đạ Hàm, huyện Đạ Tẻh.
Theo đó, vi phạm đang diễn ra hết sức phức tạp, đã xác định được một số hành vi, vị trí vi phạm cụ thể trong phạm vi bảo vệ công trình và vùng phụ cận của hồ chứa nước Đạ Hàm để xử lý vi phạm theo quy định, như hành vi vi phạm đắp đập thành các hồ nhỏ, đắp đất thành các đảo nổi, làm nhà vòm nổi trên mặt nước, làm nhà chòi mái vòm nửa trên bờ, nửa dưới nước…
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu tạm dừng toàn bộ các giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng; các giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ lòng hồ thủy điện, thủy lợi để thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi cát trên địa bàn tỉnh đã được cấp từ năm 2021 đến nay.
UBND tỉnh này giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động khai thác, nạo vét của các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép từ năm 2021 đến nay; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh (trước ngày 10/9/2022) việc thu hồi giấy phép các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định của Luật khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; không thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo yêu cầu...
UBND tỉnh yêu cầu tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông; được phép hoạt động nạo vét, kết hợp thu hồi cát trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi thực hiện nghiêm việc công khai thông tin về thời gian, phương tiện khai thác, khối lượng khai thác, nạo vét đã đăng ký khi cấp phép; phạm vi, công suất khai thác, nạo vét để người dân, địa phương biết, giám sát.
“Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công khai nêu trên thì tiến hành đình chỉ hoạt động khai thác theo quy định”, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo.