Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, qua phản ánh của một số địa phương, hiện nay, có một số tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh không bán sản phẩm phục vụ cho các công trình xây dựng tại địa phương, cố tình ghim hàng, gây ra sự khan hiếm giả tạo, nâng giá làm ảnh hưởng giá cả thị trường đối với vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản chế biến các vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh nghiêm túc cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp ra thị trường phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, không được ghim hàng, nâng giá làm ảnh hưởng giá cả thị trường đối với vật liệu xây dựng thông thường.
“Theo quy định đối với các mỏ cấp phép tại địa phương phải ưu tiên cung cấp nguồn vật liệu cho các công trình (đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước), nếu đầu cơ, ghim hàng, không cung cấp, tăng giá bán, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, người dân, không xuất hóa đơn hoặc hợp thức hóa đơn, chứng từ đối với khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, xuất hóa đơn không đúng sản phẩm sau chế biến đã xác định trong giấy phép, dự án đầu tư, gây ra tình trạng khan hiếm vật liệu thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép khai thác”, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng nêu.
Theo yêu cầu của cơ quan này, các tổ chức và cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản (sản phẩm sau khai thác, chế biến) không đúng giấy phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Luật Khoáng sản.
Ngoài khai thác khoáng sản chính đã được xác định trong giấy phép, nếu có nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm như đất san lấp tại mỏ (kể cả khoáng sản ở bãi thải) để tránh lãng phí tài nguyên, thu hồi tối đa khoáng sản thì phải đánh giá bổ sung trữ lượng, chất lượng khoáng sản đi kèm, làm cơ sở thẩm định, trình UBND tỉnh cho phép điều chỉnh, bổ sung khoáng sản đi kèm, đồng thời thực hiện hiện đầy đủ nội dung quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 55, Luật Khoáng sản năm 2010 và Khoản 6, Điều 20, Nghị định số 158 (ngày 29/11/2016) của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đề nghị Cục Thuế tỉnh định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm (hoặc khi phát hiện từng trường hợp cụ thể) thông tin số liệu thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tổ chức, cá nhân kê khai thuế, phí nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản; khai thác vượt công suất; kê khai không đúng pháp nhân cấp phép, xuất hóa đơn hoặc kê khai sản phẩm sau chế biến không đúng giấy phép, dự án đầu tư, thiết kế mỏ, hợp thức hóa đơn, chứng từ… thông tin về Sở Tài Nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để phối hợp theo dõi, kiểm tra, xử lý theo quy định…
Công ty TNHH Dương Phát ở Đà Lạt, Lâm Đồng bị xử phạt đến 800 triệu đồng về hành vi khai thác đá nguyên khối vượt công suất cấp phép trong nhiều năm. Ảnh: P.V |
Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền "rất nặng" đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản khai thác không đúng quy định. Vụ xử phạt mới đây nhất mà Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, đó là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng bị xử phạt tổng cộng với số tiền 520 triệu đồng về hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và đất đai.
Theo đó, này khai thác không đúng với thiết kế được phê duyệt (khai thác không đúng phương pháp, không đúng chiều cao tầng khai thác theo thiết kế mỏ) và đổ thải (đổ đất tầng phủ ngoài ranh giới cấp phép, sát mốc số 19) không đúng vị trí xác định theo thiết kế mỏ. Mức phạt đối với hành vi này là 25 triệu đồng.
Liên tục từ năm 2018 đến 2020, Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng còn khai thác vượt công suất cho phép đối với khối lượng sét gạch ngói (gồm đất sét và đất làm gạch). Cụ thể, năm 2018 (45.132 m3) vượt 61%; năm 2019 (40.477 m3) vượt 45%; năm 2020 (46.308 m3) vượt 65%. Trong khi, công suất cho phép khai thác là 28.000 m3/năm. Mức phạt đối với hành vi này là 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng sử dụng diện tích 2,2 ha đất nông nghiệp (diện tích này nằm trong ranh giới cấp phép khai thác, thuộc tờ bản đổ số 51, xã Gia Hiệp và tờ bản đồ số 12, xã Tam Bố, huyện Di Linh) nhưng không làm thủ tục thuê đất (gọi là hành vi lấn chiếm đất). Mức phạt đối với hành vi này là 85 triệu đồng.
Số tiền phạt "khủng" nhất phải kể đến là Công ty TNHH Dương Phát, địa chỉ số 6B, Nguyễn Đình Quân, phường 5, Thành phố Đà Lạt, do ông Dương Kim Phượng làm đại diện. Theo đó, Công ty này bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt lên đến 800 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản vượt công suất cấp phép (công suất được cấp phép là 30.000 m3 đá nguyên khối/năm). Cụ thể, trong năm 2018, 2019, Công ty TNHH Dương Phát đã khai thác vượt công suất 100% và năm 2020 vượt 48%, vi phạm quy định tại Điểm c, Điều 41, Nghị định 36 (ngày 24/3/2020) của Chính phủ.