Đèn xanh
Phiếu thuận đầu tiên ủng hộ đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (metro số 3) và tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (metro số 2) của UBND TP. Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng đến từ Bộ Giao thông - Vận tải.
Trong văn bản góp ý đề xuất Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào giữa tháng 6/2017, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, tuyến metro phía Tây này phù hợp với Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được Hà Nội phấn đấu hoàn thành trong năm 2017. |
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, do tuyến số 3 đang thực hiện đầu tư đoạn Nhổn - ga Hà Nội, nên việc đầu tư tiếp đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ tạo điều kiện kết nối khu vực phía Tây qua trung tâm TP. Hà Nội và với khu vực phía Nam của Thủ đô. Có thể nói, đây là trục giao thông có lưu lượng hành khách rất lớn, sẽ góp phần từng bước giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đồng thời kết nối các khu vực dân cư lớn đang phát triển của Hà Nội với khu vực lõi.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2017, những nhận xét tích cực về sự cần thiết phải triển khai tiếp tuyến metro số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình cũng được cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đưa ra.
Mặc dù đồng thuận về chủ trương, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải cũng đưa ra khuyến nghị nhằm tăng tính khả thi của 2 dự án metro đang xin ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan này.
Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội cần cập nhật tiến độ hoàn thành của các dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội đang triển khai và hệ thống các phương tiện giao thông công cộng khác để xác định khả năng kết nối với dự án này khi hoàn thành đưa vào khai thác (dự kiến hoàn thành vào năm 2025) mà trong đề xuất chưa phân tích.
Rút kinh nghiệm về quá trình triển khai các dự án xây dựng đường sắt đô thị ở TP. Hà Nội và TP.HCM thường phát sinh các khó khăn vướng mắc, khiến dự án bị kéo dài thời gian và tăng tổng mức đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, phân tích và đánh giá những khó khăn, bất cập, cơ chế huy động vốn trong quá trình triển khai để đảm bảo tính khả thi về thời gian thực hiện dự án.
Sử dụng công nghệ tiên tiến
Trước đó, vào cuối tháng 3/2017, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất Dự án metro số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sử dụng vốn vay ADB.
Dự kiến, tổng mức đầu tư đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai là 1,225 tỷ USD (tương đương 27.685 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay nước ngoài 1,075 tỷ USD (tương đương 24.295 tỷ đồng), dự kiến vay của ADB và các nhà tài trợ khác để chi cho các hạng mục xây dựng, thiết bị và tư vấn của dự án.
Vốn đối ứng trong nước là 150 triệu USD (tương đương 3.390 tỷ đồng) để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ADB đã tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD để lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi cho đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai. Hiện, ADB dự kiến sẽ tiếp tục tài trợ thêm cho dự án hoặc kêu gọi các nhà tài trợ khác để đồng tài trợ cho dự án.
Trên cơ sở đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai, được sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ ADB (và các nhà tài trợ khác).
Với Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án này được quy hoạch từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42 km.
Tuyến số 2 được coi là tuyến đường sắt đô thị xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó, ưu tiên đoạn đi qua trung tâm thành phố từ khu vực Nam Thăng Long (thuộc Bắc Từ Liêm) đến Thượng Đình (thuộc quận Thanh Xuân).
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thực hiện đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với nguồn vốn ODA vay của Nhật Bản.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khẳng định, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của TP. Hà Nội.
Lý do UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận đề xuất đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Nhật Bản là phía Nhật Bản đã có các cam kết để thực hiện toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 (từ Nam Thăng Long - Thượng Đình).
Đoạn từ Nam Thăng Long đến Trần Hưng Đạo thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Theo ông Toản, “việc đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình sử dụng vốn ODA Nhật Bản là phù hợp với định hướng tài trợ cũng như cam kết trước đây của nước bạn về việc đầu tư xây dựng phân đoạn từ Nam Thăng Long về Thượng Định, đồng thời đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ với Dự án tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang triển khai”.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A): 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot; có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD. Khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành năm 2017.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3): 12,5 km; tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng. Khởi công tháng 9/2010, kế hoạch hoàn thành năm 2018.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi): 24 km; Nguồn vốn: Vốn vay ODA (JICA) và nguồn vốn đối ứng; Tiến độ của dự án: Giai đoạn I từ 2007 - 2017; Giai đoạn II từ 2012 - 2020.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: 11,5 km. Tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng (trong đó: Vốn ODA vay JICA là 16.485 tỷ đồng; Vốn đối ứng là 3.079 tỷ đồng). Thời gian thực hiện: 2009-2020 (bao gồm dự kiến thời gian bảo dưỡng là 5 năm).