Trung tâm mua sắm Citadel Oulets, bang California trước thềm giáng sinh năm 2022. Ảnh: AFP |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tháng 11 nhích 0,5% so với tháng trước và chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây vẫn là mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 1991.
Đáng chú ý, giá cả mặt hàng năng lượng tại Mỹ đã tăng 33,3% kể từ tháng 11/2020, trong đó riêng tháng 11/2021 đã tăng 3,5%. Đặc biệt, giá xăng dầu ghi nhận mức tăng chóng mặt 58,1%.
Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 6,1% so với một năm trước, còn giá xe con và xe tải đã qua sử dụng - tác nhân chính khiến lạm phát tăng vọt - ghi nhận mức tăng 31,4%.
Sau công bố lạm phát của Bộ Lao động Mỹ, các thị trường vẫn phản ứng tích cực, với các chỉ số chứng khoán Phố Wall tăng điểm còn lợi suất trái phiếu kho Bạc Mỹ đi xuống.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng báo cáo lạm phát của Bộ Lao động Mỹ đã chỉ ra nguy cơ rằng lạm phát thậm chí có thể vượt mốc 7%.
Theo các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed),lạm phát gia tăng là do các yếu tố liên quan đến đại dịch. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao cộng với tắc nghẽn chuỗi cung ứng là những tác nhân chính đẩy lạm phát lên cao, mặc dù đà tăng giá các mặt hàng kéo dài hơn so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Randy Frederick, Giám đốc điều hành bộ phận giao dịch phái sinh tại Charles Schwab cho rằng: "Ngay cả khi loại bỏ những cực đoan do đại dịch gây ra, thì lạm phát vẫn ở mức rất cao". Chuyên gia này khẳng định, vấn đề chính của lạm phát nằm ở sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là đứt gãy cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào việc Fed sẽ nhân đôi mức cắt giảm mua tài sản lên 30 tỷ USD/tháng từ tháng 1/2022 và điều này có thể giúp Fed tăng lãi suất ngay vào mùa xuân năm sau.
Áp lực lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến người lao động Mỹ. Mặc dù lương gộp của họ đã tăng 4,8% trong một năm qua, nhưng thu nhập bình quân hàng giờ thực tế có tính đến lạm phát lại giảm thêm 0,4% trong tháng 11 và giảm 1,9% trong vòng 12 tháng qua, theo Bộ Lao động Mỹ.
Phần lớn lạm phát thời dịch bị thúc đẩy bởi nhu cầu hàng hóa tăng cao, nhất là xe cộ và các hàng hóa lâu bền khác. Nếu không tính năng lượng, chi phí dịch vụ chỉ tăng 0,4% trong tháng 11 và tăng 3,4% trong 12 tháng qua, mức cao nhất kể từ tháng 4/2007.
Với những diễn biến lạm phát vài tháng qua, các nhà kinh tế nhận định lạm phát Mỹ đang tiếp cận đỉnh, đặc biệt là khi giá năng lượng đã giảm trong những tuần gần đây. Cụ thể, giá dầu WTI đã tăng tới 52% trước khi giảm 14% trong vài tuần gần đây.
Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1969 và GDP được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2021 sau quý III mờ nhạt, thì lạm phát sẽ vẫn là vấn đề nhức nhối đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "phải trả giá" chính trị sau khi lạm phát tăng vọt. Một cuộc khảo sát gần đây của đài CNBC cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden chỉ còn ở mức 41% do có đến 56% người được hỏi không tán thành với kết quả điều hành kinh tế của ông chủ Nhà Trắng.