Biến động lạm phát Mỹ từ tháng 1/2021 đến tháng 11/2023. Nguồn: CNBC/Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát được cơ quan chức năng Mỹ theo dõi chặt chẽ, đã tăng 0,1% trong tháng 11 và tăng 3,1% so với một năm trước, theo công bố ngày 11/12 của Bộ Lao động. Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát đã dự đoán lạm phát tháng 11 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Không kể giá cả hai mặt hàng có giá cả biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 0,3% trong tháng 11 và tăng 4% so với một năm trước. Cả hai mức tăng cho thấy sự biến động nhẹ so với tháng 10 nhưng đều khớp với dự báo.
Mặc dù có chiều hướng giảm, nhưng các chỉ số giá cả tháng 11 vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đang tập trung nhiều hơn vào việc xem xét lạm phát lõi như một tín hiệu cho xu hướng dài hạn.
Bà Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Charles Schwab, cho rằng số liệu lạm phát tháng 11 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố "có phần phù hợp, mặc dù vậy, tôi cho rằng nó không tốt như những gì một số người hy vọng rằng chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc nhiều hơn qua từng tháng". Fed "có thể sẽ nói rằng việc tiếp tục giảm lạm phát là một tin tốt".
Chứng khoán Phố Wall không phản ứng mạnh sau thông tin lạm phát tháng 11, với các chỉ số chứng khoán lớn chỉ giảm nhẹ lúc đầu phiên giao dịch. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn.
Giá năng lượng giảm 2,3% đã giúp kiềm chế lạm phát Mỹ trong tháng 11, do giá xăng giảm 6% và giá dầu mazut giảm 2,7%. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 0,2% được thúc đẩy bởi giá thực phẩm mang đi tăng 0,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lương thực tăng 2,9%, còn giá năng lượng giảm 5,4%.
Giá thuê nhà, chiếm khoảng 1/3 trọng số CPI, đã tăng 0,4% trong tháng 11 và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá thuê nhà đã giảm đều đặn kể từ khi đạt đỉnh vào đầu năm 2023. Trong đó, giá thuê nhà ở xa đã giảm 0,9%.
"Lạm phát giảm không có nghĩa là giá cả đang giảm. Trên thực tế, giá của hầu hết mọi thứ vẫn cao hơn so với trước đại dịch", bà Lisa Sturtevant, nhà kinh tế trưởng tại Bright MLS lưu ý. "Đặc biệt, chi phí nhà ở đang đè nặng lên nhiều cá nhân và gia đình".
Sau 5 tháng giảm liên tiếp, giá ô tô qua sử dụng đã tăng 1,6% trong tháng 11 trong khi bảo hiểm xe cộ nhích 1% trong tháng và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí chăm sóc y tế tăng 0,6% còn giá cả các mặt hàng may mặc giảm 1,3%.
Bộ Lao động Mỹ cho biết tiền lương của người lao động đã tăng trên cơ sở điều chỉnh theo lạm phát, với thu nhập thực tế trung bình mỗi giờ tăng 0,2% trong tháng 11 và 0,8% so với một năm trước.
Thông tin trên được đưa ra khi Fed bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Cơ quan này được dự đoán sẽ giữ lãi suất ổn định lần thứ ba liên tiếp sau cuộc họp.
Thị trường đang quan sát thận trọng các tín hiệu của Fed và nội dung cuộc họp chính sách lần này.
Sau khi tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed được kỳ vọng sẽ phát tín hiệu về việc kết thúc thắt chặt chính sách tiền tệ, với bước tiếp theo có thể là cắt giảm lãi suất với tốc độ vẫn chưa được xác định.
Trên thực tế, các thị trường hàng hóa tương lai dự đoán Fed sẽ nới lỏng chính sách mạnh mẽ trong năm 2024, với mức cắt giảm lãi suất lên tới 1,25 điểm phần trăm vào cuối năm. Tuy nhiên, các nhà phân tích trả lời khảo sát của đài CNBC cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với tốc độ thận trọng hơn, cắt giảm khoảng ba lần ở mức 0,25 điểm phần trăm.