Giá thực phẩm tăng vọt là một trong những tác nhân chính đẩy lạm phát Mỹ tiếp tục tăng cao. Ảnh: AFP |
Số liệu trên được Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm nay 10/6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 5, đã cao hơn ước tính 8,3% của Dow Jones. Nếu không xét đến biến động giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi chỉ tăng 6%, nhỉnh hơn một chút so với ước tính 5,9%.
So với tháng 4, chỉ số CPI tháng 5 đã tăng 1% trong khi chỉ số CPI cốt lõi nhích 0,6%. Tháng 5 chứng kiến giá nhà ở, xăng dầu và thực phẩm ở Mỹ đều tăng vọt, và đây là những tác nhân chính khiến lạm phát của nước này tiếp tục lập kỷ lục.
Cụ thể, giá nhiên liệu tháng 5 tại Mỹ đã tăng 3,9% so với một tháng trước và nhảy vọt 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá dầu tăng 16,9% so với tháng 4, đẩy mức tăng so với cùng kỳ năm trước lên 106,7%.
Chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng CPI, chi phí nhà ở tại Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 5 và cao hơn 5,5% so với một năm trước. Còn chi phí thực phẩm trong tháng 5 tăng thêm 1,2%, nâng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,1%.
Giá cả leo thang đồng nghĩa với sức mua của người lao động Mỹ giảm đi. Tiền lương thực tế của họ khi tính đến lạm phát đã giảm 0,6% trong tháng 4, mặc dù thu nhập bình quân theo giờ vẫn nhích nhẹ 0,3%. Nhưng so với 1 năm trước, thu nhập trung bình hàng giờ thực tế của người lao động Mỹ đã giảm 3%.
Sau thông tin lạm phát tháng 5 gây bất ngờ, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn đã bật tăng trong phiên hôm nay do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Đáng kể, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm đã tăng hơn 8 điểm cơ bản và giao dịch ở mức trên 2,9%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng đi lên và giao dịch ở mức 3,03%.