Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, so với tháng 12 năm trước, mức tăng là 0,68%. Còn nếu tính bình quân, CPI 7 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86% so với 7 tháng đầu năm trước.
Như vậy, lạm phát - theo cách tính của Việt Nam - cho tới thời điểm này vẫn tăng chưa đầy 0,7%, còn cách rất xa mục tiêu điều hành kiểm soát lạm phát ở mức 5% trong năm nay.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 các năm gần đây
Đơn vị tính: %
Năm 2006 | Năm 2007 | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | |
CPI tháng 7 năm báo cáo so với tháng trước | 0,39 | 0,94 | 1,13 | 0,52 | 0,06 | 1,17 | -0,29 | 0,27 | 0,23 | 0,13 |
CPI tháng 7 năm báo cáo so với tháng 12 năm trước | 4,4 | 6,19 | 19,78 | 3,22 | 4,84 | 14,61 | 2,22 | 2,68 | 1,62 | 0,68 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nhìn vào bảng biểu so sánh CPI các tháng 7 những năm gần đây của Tổng cục Thống kê có thể thấy, CPI của tháng 7 năm nay thuộc diện rất thấp, chỉ cao hơn mức tăng âm 0,29% của tháng 7/2012.
Các tháng 7, theo thông lệ, CPI thường tăng không cao. Ngoại trừ hai năm 2008 và 2011, là năm có lạm phát cao, CPI tháng 7 tăng trên 1% so với tháng trước, còn lại mức tăng chỉ dưới 0,5%.
Trong khi đó, nếu so với tháng 12 năm trước, thì CPI tháng 7 năm nay có mức tăng thấp nhất, chỉ 0,68%. Các năm còn lại, đỉnh điểm là năm 2008, mức tăng lên tới 19,78%. Tiếp đó, là năm 2011, với mức tăng 14,61%.
Thấp nhất trong các năm từ năm 2006 trở lại đây, thì CPI tháng 7/2014 cũng đã tăng 1,62%. Năm 2014, lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 1,84%.
Điều này cho thấy, năm 2015, lạm phát của Việt Nam tiếp tục ở mức rất thấp.
Quay trở lại diễn biến giá cả thị trường tháng 7/2015, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng giá. Đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,1%); Đồ uống và thuốc lá (tăng 0,18%); May mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 0,25%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,22%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,14%); Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,15%); Giao thông (tăng 0,16%); Văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,16%) và Hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,08%).
Các nhóm hàng còn lại, CPI nhóm Giáo dục gần như không tăng, còn nhóm Bưu chính - viễn thông giảm 0,02%.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2015 tăng 0,13% chủ yếu là do tháng này diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2015. Cùng với đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo.
Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,32%, nước sinh hoạt tăng 0,22.%;
Thêm vào đó, từ ngày 1/7/2015, giá dịch vụ y tế ở TP.HCM được điều chỉnh tăng ở một số quận làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,15% so với tháng trước.
Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 7/2015, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào.
Việc giá gas, giá dầu hỏa trong nước điều chỉnh giảm cũng tác động tới CPI tháng 7/2015.