Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.
“Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm CPI tăng như vậy”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Cũng vì giãn cách xã hội mà mức tăng CPI ở khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch khá lớn. Ở thành thị là tăng 0,34%, trong khi ở nông thôn chỉ tăng 0,14%. Lương thực, thực phẩm ở khu vực thành thị thời gian gần đây tăng khá cao.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).
Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất - với 0,74%, làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm.
Tăng cao như vậy chủ yếu do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Cùng với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thì nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng khá cao, với mức tăng 0,22% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm.
Trong khi đó, nhóm giáo dục tăng 0,04%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.
Ngược lại, trong 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%).
Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.
Còn nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% so với tháng trước. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%. Nguyên nhân cũng do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
Với mức tăng 0,25% của tháng 8/2021, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,91%; tăng 3,84%; tăng 3,52%; tăng 2,57%; tăng 3,96%; tăng 1,79%.
Với mức lạm phát cho đến nay ở mức thấp như vậy, Việt Nam có nhiều dư địa để điều hành giá cả thị trường những tháng cuối năm. Nếu không có biến động lớn, thì khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra là trong tầm tay.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%). Điều này, theo Tổng cục Thống kê, là phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng.
Mức lạm phát cơ bản tháng Tám và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 8/2021 giảm 0,49% so với tháng trước; giảm 1,65% so với tháng 12/2020 và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 13,8%.
Còn chỉ số đô-la Mỹ 8/2021 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,67% so với tháng 12/2020 và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,82%.
Giãn cách kéo dài khiến nhu cầu mua bán ngoại tệ giảm cũng là nguyên nhân khiến chỉ số giá đô-la Mỹ giảm như vậy.