Thời sự
Lạm phát toàn cầu có thể giảm nhiệt trong vòng 1 năm tới, Việt Nam không đáng ngại
Trần Mạnh - 03/03/2022 18:25
Bất chấp giá hàng hóa đang tăng nóng theo chiến sự Nga – Ukraine, các chuyên gia cho rằng, chỉ trong vòng 6 tháng – 1 năm tới, lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt.
Giá dầu tăng gây áp lực cho lạm phát toàn cầu

Căng thẳng Ukraine và Fed tăng lãi suất là hai yếu tố được thị trường quan tâm nhất hiện nay. Nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế được các bên đưa ra đã khiến chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng trên thế giới bị đứt gãy, giá hàng hóa tăng mạnh, nguy cơ lạm phát cao.  

Ông Đinh Quang Hinh,  huyên gia vĩ mô khối phân tích công ty chứng khoán VNDIRECT nhận định, tác động của các yếu tố trên tới nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc căng thẳng Nga – Ukraine sẽ diễn ra trong bao lâu. Ngay cả khi xung đột xảy ra trong ngắn hạn, ảnh hưởng với cả hai bên đều sẽ rất nặng nề do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga khó có thể rút lại trong một sớm, một chiều. Giá hàng hóa toàn cầu vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện nay, Nga đang là một trong những quốc gia lớn nhất thế giới xuất khẩu dầu khí, khí đốt (cung cấp 30% lượng khí đốt cho châu Âu), phân bón, thép, lúa mỳ… Chính vì vậy, nhóm hàng hóa này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu chiến sự vẫn tiếp tục căng thẳng.

“Giá hàng hóa tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát trên thế giới, nhất là những nền kinh tế có lạm phát cao như Mỹ, châu Âu, buộc NHTW các quốc gia này gặp khó khăn hơn trong đưa ra các chính sách tiền tệ”, ông Hinh cho biết.

Môi trường chính trị quốc tế bất ổn đang gây tâm lý thấp thỏm cho nhà đầu tư. Ngoài chiến sự căng thẳng, ngày 10/3 tới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp chính sách, tiếp đó là phiên họp chính sách ngày 15-16/3 của Mỹ với khả năng tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.

Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ IPA cho rằng, trước mắt, lạm phát toàn cầu tăng nhanh do tổng cung ngắn hạn bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng (do Covid 19 và mới đây là do ảnh hưởng bởi chiến sự). Mặc dù vậy, ông Hoàng cho rằng, năng lực sản xuất toàn cầu đang được bổ sung rất nhanh, khi nguồn cung được đáp ứng đầy đủ thì lạm phát toàn cầu sẽ trở về bình thường (khoảng 2%).

“Nếu tổng cung bù đắp, lạm phát sẽ dễ đối phó trong vòng 6 tháng – 1 năm tới”, ông Hoàng nhận định.

Liên quan đến nhận định này, ông Hinh cho rằng, lạm phát trên thế giới đang có sự phân hóa. Nếu như EU, Mỹ đang đứng trước sức ép lạm phát rất lớn thì các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc lại đang kiểm soát lạm phát khá tốt và vẫn có thể nới lỏng kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.

Dù vậy, theo ông Hinh, để kiểm soát lạm phát, các nước lớn như Mỹ, EU cần thời gian dài hơn chứ không chỉ 6 tháng – 1 năm.

“Lạm phát Mỹ, Anh đang ở mức rất cao và khó có thể hạ nhiệt ngay được. Tôi cho rằng, phải đến cuối năm 2023 lạm phát mới hạ nhiệt, khi nguồn cung được bù đắp. Hiện nguồn cung vẫn đang khó khăn do covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng và hiện nay là do khủng hoảng Nga – Ukraine. Hiện Fed đang phải thực hiện lộ trình nâng dần lãi suất để đối phó với lạm phát’, ông Hinh nói.  

Theo dự báo của các chuyên gia, khủng hoảng Nga – Ukraine sẽ kết thúc trước mùa hè năm nay, trước khi châu Âu ấm lên. Khi đó, giá cả nhiều mặt hàng vốn tăng sốc thời gian qua sẽ chững lại. Dù vậy, một số mặt hàng khó có thể quay về mức giảm sâu trong quý IV/2021, ví dụ như sắt thép, phân bón.

Với Việt Nam, dù không tránh khỏi ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, song các chuyên gia tin rằng, lạm phát Việt Nam năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ ở mức khoảng 3,5%. Nguyên nhân là giá lương thực, thực phẩm vẫn ổn định, chi phí giáo dục, y tế, cho thuê mặt bằng… thời gian qua không tăng thậm chí còn giảm. Riêng với giá xăng dầu, thời gian tới, Chính phủ có thể có thêm biện pháp can thiệp (ví dụ giảm thuế) trong trường hợp cần thiết. 

Trong bối cảnh lạm phát có thể được kiểm soát, năm 2022, Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục mở rộng chính sách nới lỏng, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế. 

Tin liên quan
Tin khác