Phối cảnh một cửa lên của nhà ga C9 tuyến metro số 2 Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng. |
Làm rõ kế hoạch bố trí vốn
Sự khẩn trương là điều có thể nhận thấy trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Cuối tuần trước, UBND TP. Hà Nội có Tờ trình số 146/TTr-UBND phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Đây là tờ trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thứ hai được UBND TP. Hà Nội gửi Chính phủ trong vòng 5 tháng trở lại đây, với hy vọng sớm kích hoạt lại quá trình triển khai tuyến đường sắt đô thị thứ ba trên địa bàn Thủ đô.
Trước đó, giữa tháng 4/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2526/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị UBND TP. Hà Nội tiếp thu, giải trình các nội dung nêu tại Văn bản số 2282/BKHĐT-GSTĐĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.
“Có 2 nội dung còn tồn tại liên quan đến hồ sơ điều chỉnh Dự án cần được làm rõ theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm: kế hoạch vốn cho từng thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của khoản vay ODA theo điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế - STEP”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội thông tin.
Liên quan đến kế hoạch vốn cho từng thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của Dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết, Tờ trình số 05/TTr-UBND ngày 10/1/2024 đã có nội dung dự kiến kế hoạch vốn cho từng thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với hạng mục công việc dự kiến thực hiện theo tiến độ điều chỉnh của Dự án.
Cụ thể, việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn các giai đoạn đã được UBND TP. Hà Nội dự kiến bố trí đủ trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030, phần vốn còn lại dự kiến phân bổ vào năm 2031 cho chi phí dự phòng, bảo hành công trình, thanh quyết toán.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, UBND TP. Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 9.223 tỷ đồng, bao gồm 8.043 tỷ đồng vốn nước ngoài (vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát khoảng 3.780 tỷ đồng, vốn nước ngoài vay lại khoảng 4.263 tỷ đồng) và 1.180 tỷ đồng vốn đối ứng.
Trong giai đoạn 2026-2030, UBND TP. Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 19.929 tỷ đồng (được bố trí trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo đúng quy định của pháp luật), bao gồm 17.794 tỷ đồng vốn nước ngoài (vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát khoảng 8.363 tỷ đồng, vốn nước ngoài vay lại khoảng 9.431 tỷ đồng); 2.135 tỷ đồng vốn đối ứng.
Riêng năm 2031, UBND TP. Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 5.581,5 tỷ đồng, bao gồm 3.215,9 tỷ đồng vốn nước ngoài (vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát khoảng 269,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài vay lại khoảng 2.946 tỷ đồng) và 2.365,6 tỷ đồng vốn đối ứng.
Tại Tờ trình số 146/TTr-UBND, UBND TP. Hà Nội cho rằng, do quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án bị kéo dài (phải điều chỉnh vị trí ga C9, thay đổi các quy định về đầu tư công, về quản lý vay nợ...), nên thời gian thực hiện Dự án phải điều chỉnh để phù hợp thực tế hiện nay.
Dự kiến sau khi chủ trương đầu tư Dự án được điều chỉnh trong năm 2024, thì thời gian triển khai để hoàn thành Dự án là 6 năm (từ 2024-2029) và 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng (2030-2031), dẫn đến việc bố trí kế hoạch vốn cho Dự án phải qua 3 thời kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, gồm các giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và 2031-2035.
“Theo dự kiến, thì giai đoạn trung hạn 2021-2025 và 2026-2030 là giai đoạn bố trí vốn chủ yếu (bố trí 29.152 tỷ đồng, khoảng 82% so với tổng mức đầu tư) để hoàn thành đưa Dự án vào khai thác, nhưng do đặc thù tính chất của Dự án cần phải có phần kinh phí đào tạo vận hành bảo dưỡng nên phải bố trí vốn đến năm 2031”, Tờ trình số 146/TTr-UBND nêu rõ.
Xếp hàng đợi điều chỉnh
Về việc thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả điều kiện vay STEP, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản 2282/BKHĐT-GSTĐĐT, cơ quan chủ quản Dự án đã bổ sung nội dung “UBND TP. Hà Nội phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan làm việc với nhà tài trợ để nghiên cứu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ” vào Dự thảo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án của Thủ tướng Chính phủ.
“Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án được phê duyệt, UBND TP. Hà Nội cam kết triển khai Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả”, Tờ trình số 146/TTr-UBND nêu rõ.
Được biết, tại Tờ trình số 146/TTr-UBND, có 3 nội dung quan trọng của Dự án metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh.
Một là, tổng chiều dài tuyến của Dự án vẫn được giữ nguyên so với phê duyệt trước đó, nhưng có sự thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5 km lên 8,9 km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3 km xuống 2,6 km).
Hai là, UBND TP. Hà Nội đề xuất tổng mức đầu tư mới của Dự án là 35.588 tỷ đồng, tương đương 200.744 triệu yên, tương đương 1.504,97 triệu USD (tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án).
Ba là, dù hợp đồng Dịch vụ tư vấn chung cho Dự án đã được ký vào tháng 3/2011 theo đúng tiến độ triển khai được phê duyệt, nhưng do quá trình xem xét, thẩm tra, thẩm định điều chỉnh Dự án kéo dài từ năm 2012 đến nay chưa kết thúc, nên chưa triển khai các gói thầu thi công xây lắp và thiết bị của Dự án.
Vì vậy, cần phải điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện của Dự án cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, thời gian thực hiện Dự án được đề xuất là hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng, thay vì hoàn thành vào năm 2015 như kế hoạch ban đầu.
Trên thực tế, trong suốt gần 15 năm triển khai, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có rất ít chuyển động trên thực địa. Tính đến quý I/2024, công việc trên thực địa được tiến hành mới chỉ là việc giải phóng mặt bằng tại depot, ga trên cao và phần ga ngầm. Do chưa triển khai các gói thầu xây lắp, nên khối lượng thực hiện và giải ngân dự án này mới đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, do Hiệp định vay đã hết hạn (7/2019), UBND TP. Hà Nội buộc phải hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc ngừng giải ngân dự án, đang phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện các thủ tục đóng Hiệp định vay.
“Dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên không thực hiện được việc ký kết Hiệp định vay. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Nhật Bản chỉ đồng ý huy động tư vấn để triển khai nghiên cứu sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Sáng 30/5, trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh chương trình năm 2024, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã nêu kiến nghị về việc cần có một nghị quyết của Quốc hội về đường sắt đô thị trong năm 2024.
Ông Nghĩa cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035. Để hoàn thành mục tiêu này, có một loạt vấn đề đặt ra như ngân sách, cơ chế (ủy quyền), đặc thù về hạ tầng giao thông, đấu thầu, huy động vốn trong và ngoài nước. Vì vậy, rất cần có một nghị quyết về đường sắt đô thị.