Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Vì sao còn khiêm tốn?
Theo Bộ Giao thông Vận tải, ngành đã tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án giao thông theo hình thức liên doanh, đối tác công-tư (PPP) từ rất sớm. Nhiều dự án đã được nghiên cứu khá kỹ nhưng chưa thực hiện được như: cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết theo mô hình PPP, đường Vành đai 3 Hà Nội do Tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc) và Unico (Hoa Kỳ) đề xuất, dự án liên doanh sân bay quốc tế Nội Bài vào đầu những năm 1990. Ngoài ra, một số dự án được các tổ chức uy tín của các nước cam kết nhưng cũng chưa thực hiện, như Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch…
Trong lĩnh vực đường bộ, mặc dù thời gian gần đây có một vài nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn mua quyền khai thác dự án như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hay một số dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý như Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai… nhưng tới nay chưa có dự án nào được thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, mặc dù ngành giao thông vận tải sớm ban hành các chính sách để thu hút FDI vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thậm chí, đã công bố danh mục kêu gọi đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều dự án FDI trong lĩnh vực giao thông thành công.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính hiệu quả về mặt tài chính không cao. Chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư thích đáng và tạo sự chủ động cho các nhà đầu tư,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phân tích.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nguyên nhân sâu xa nữa dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với các dự án giao thông tại Việt Nam là chúng ta chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế, khiến nhà đầu tư hoặc các tổ chức tín dụng còn e ngại.
Về lĩnh vực hàng hải, theo Bộ Giao thông Vận tải đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này nhưng chủ yếu vẫn là các lĩnh vực dịch vụ vận tải và logistics.
Tình trạng thu hút FDI vào lĩnh vực đường sắt cũng không khả quan. Dù đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề hợp tác với ngành đường sắt để thành lập liên doanh sản xuất đầu máy, toa xe và một số trang thiết bị đường sắt, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Lý giải về điều này, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết vì thị trường lĩnh vực đường sắt còn nhỏ hẹp, khả năng xuất khẩu hạn chế, năng lực công nghiệp đường sắt trong nước còn yếu và thiếu, đặc biệt là thiếu các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Thị phần vận tải đường sắt chỉ chiếm 3,57% đối với luân chuyển hành khách và 1,7% đối với luân chuyển hàng hóa do hạ tầng đường sắt quá cũ, lạc hậu và thiếu kết nối với các phương thức vận tải khác.
Riêng thu hút FDI vào lĩnh vực hàng không đặc biệt khó. Bởi xây dựng cảng hàng không sân bay yêu cầu về kỹ thuật chuyên ngành cao, số vốn lớn và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, FDI vào lĩnh vực này cũng yêu cầu những điều kiện khắt khe hơn. Một số tập đoàn như Quantas, Airoport de Paris, ANA Holding Inc chỉ quan tâm mua cổ phần hoặc là nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không như Vietnam Airlines.
Về đường thủy, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy Việt Nam chia sẻ, lĩnh vực này chỉ mới có một doanh nghiệp của Bỉ bày tỏ ý định đầu tư vào cảng sông tại khu vực phía Nam để phục vụ việc vận tải trung chuyển cà phê từ nơi sản xuất để kết nối cảng biển nhưng thời gian qua chưa tiến triển gì thêm.
Đòn bẩy khơi mở dòng vốn
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong các lĩnh vực thu hút FDI hiệu quả của ngành giao thông vận tải trong thời gian qua phải kể tới cảng biển. Đây là lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất do có đặc thù riêng đó chính là khả năng dễ kiểm soát nguồn thu.
Cụ thể, theo ông Trần Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải), sau 4 tháng kể từ khi đón chuyến tàu đầu tiên vào làm hàng (tháng 5/2018), Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Hợp phần B - xây dựng bến container số 1, số 2 có tổng mức đầu tư khoảng 321 triệu USD) đã bắt đầu thu hút ngày càng nhiều hãng tàu quốc tế lớn vào khai thác.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, sự tham gia đầu tư của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển như Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA - CGM… vào các liên doanh cảng biển, đặc biệt là tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, đã làm thay đổi bộ mặt cảng biển Việt Nam.
Ngoài cảng biển, một lĩnh vực khác cũng là điểm sáng trong thu hút vốn FDI của ngành giao thông vận tải trong những năm qua là logistics. Sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch… trong các liên doanh logistics lớn là một trong những yếu tố then chốt giúp cải thiện Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) của Việt Nam từ vị trí thứ 64/160 năm 2016 lên vị trí thứ 39/160 nước vào năm 2018 (khảo sát của Ngân hàng Thế giới).
Theo các chuyên gia kinh tế, FDI tham gia đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ giúp giảm bớt một phần gánh nặng đầu tư công và quan trọng hơn cả là tăng tính hiệu quả quản lý, tiếp cận thị trường quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng giao thông khoảng gần 1 triệu tỷ đồng; trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách nhà nước còn khó khăn, khả năng huy động thêm vốn ODA cũng hạn chế dần. Do vậy, việc tiếp tục huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư được coi là giải pháp chủ đạo để có thể đạt được các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông.
Theo Luật sư Nguyễn Cao Cường (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội), sẽ cần thêm những đòn bẩy chính sách để có thể khơi mở dòng vốn FDI vào các dự án hạ tầng giao thông lớn, trước mắt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Sân bay quốc tế Long Thành, Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam...
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, để thu hút dòng vốn FDI vào ngành giao thông vận tải, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp; trong đó ưu tiên hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp lý đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể, cần nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật về đầu tư theo hình thức PPP nhằm tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ và ổn định về chính sách, tiếp cận với quy định PPP quốc tế.
Về phía bộ chủ quản, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cần có sự nghiên cứu luật pháp, thông lệ quốc tế để có cơ chế chia sẻ rủi ro vốn nhà đầu tư, hấp dẫn thị trường vốn nước ngoài đối với các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư theo hình thức PPP phù hợp với chính sách quản lý ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động FDI tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với việc thu hút, quản lý các dự án FDI.