Doanh nghiệp
Làm sao để startup không sảy chân sau vòng gọi vốn?
Hải Hà - 04/06/2017 10:07
Gọi được vốn đầu tư không phải là tấm vé thông hành đảm bảo sự vững chắc của một startup. Vậy đâu là bí quyết để các startup tồn tại và tiếp tục phát triển ngày càng lớn mạnh?

Gần đây, một startup của Việt Nam là The Kafe, chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu đã dần đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trong hệ thống kết thúc 3 năm hoạt động, mặc dù đã gọi vốn được 5 triệu USD.

Trước đó, hàng loạt những startup trên thế giới một thời nhận được vốn lớn như Pay By Touch đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư, với tổng vốn huy động lên tới 340 triệu USD; RealNames đã gây quỹ được hơn 130 triệu USD; Pets.com đã huy động vốn được tới 300 triệu USD….đều đã gặp thất bại sau giai đoạn gọi vốn.

Năm 2016, mặc dù số thương vụ rót vốn giảm nhưng tổng số tiền đầu tư vào start-up Việt lại tăng 46% so với năm trước, đạt 205 triệu USD. (Nguồn TFI).

“Trong khi đó, để gọi được vốn, trước đó, mỗi startup đã hội tụ đủ yếu tố như khách hàng, sản phẩm, đội ngũ kinh doanh, kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh sản phẩm, công nghệ và con người. Bởi để thuyết phục nhà đầu tư rót vốn không hề đơn giản”, Bùi Đình Nhật, Giám đốc Topica Founder Institude (TFI) nói.

Cũng theo ông Nhật, tỷ lệ thất bại của một startup thường rơi vào series A,B thậm chí là C, mặc dù startup đã có chứng minh bước đầu về thị trường nhưng việc chưa có mô hình kinh doanh có thể sinh lời và phát triển bền vững; đầu tư dàn trải và phát triển quá nhanh về thị trường, sản phẩm. Trong khi đó, đội ngũ con người không phát triển đủ để kịp quản lý dòng tiền và quyết định đầu tư là những dấu hiệu dẫn tới những cú sảy chân rất đau đối với một startup.

Ông Nhật cho rằng, có tới 70-80% các startup thất bại ở các giai đoạn rót vốn từ giai đoạn A (series A), series B, C hay rót vốn dạng angel.

“Để tránh sảy chân sau vòng gọi vốn thì startup phải quản trị tài chính, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, điều tiết sử dụng vốn hiệu quả, tham gia của các quỹ đầu tư trong quyết định chiến lược và phải thử sản phẩm mới và sửa sai nhanh chóng”, ông Nhật nói.

Thông thường nhà đầu tư nhìn ở một startup ở nhiều khía cạnh, một số nhà đầu tư ra quá nhiều điều kiện như là rút vốn sớm hay yêu cần quá nhiều quyền trong công ty, can thiệp vào công việc điều hành đến mức sửa sản phẩm/ dịch vụ mà công ty đang tập trung hoặc đòi hỏi quá nhiều cổ phần mặc dù mới chỉ dừng ở vòng gọi vốn đầu tiên. Một số nhà đầu tư  tiếp cận doanh nghiệp với mục đích trục lợi, ra điều kiện khoản đầu tư như một khoản cho vay tài chính và đòi hỏi lãi suất.

Theo các chuyên gia, startup nên tránh những nhà đầu tư không hiểu về giá trị hay mục tiêu của công ty, bởi sự thiếu đồng cảm có thể dẫn đến sự bất hòa trong suốt quá trình hợp tác của 1 startup và nhà đầu tư.

Đó là những lý do khiến ông Trần Vinh Quang, COO Appota đưa ra nhận định, việc chọn nhà đầu tư cũng giống như việc tìm kiếm một động cơ tốt cho bệ phóng tăng tốc của một startup.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, từ kinh nghiệm gọi vốn đến giai đoạn 3, ông Quang cho biết: “Ở giai đoạn đầu, startup nên chọn hợp tác với nhà đầu tư với tư cách là bạn, là mentor (người cố vấn) tư vấn cho startup vì ở giai đoạn đầu, người phát triển startup chỉ chú trọng đến phát triển nội dung mà không chú trọng những vấn đề xung quanh. Do đó, việc cần người khác bổ sung thêm, học hỏi từ mentor, bạn bè là tốt nhất.

Tuy nhiên, vòng tiếp theo phải có chiến lược, tùy theo chiến lược đi sâu vào thị trường nào để tìm những nhà đầu tư quan tâm tới mảng đó. Lúc này, nhà đầu tư không còn là bạn nữa mà là nhà đồng hành có hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, network, kết nối những nguồn lực bên ngoài mà startup không biết khiến cho startup đó vững vàng hơn. Thông thường, nhà đầu tư giai đoạn đồng hành luôn có nguyên tắc, một số ít có kiểm soát để giữ cho công ty tập trung vào mục tiêu. Giai đoạn thứ 3 là giai đoạn tăng trưởng sau bước đi dài và phát triển tốt, bắt đầu tăng trưởng có lợi nhuận thì cần những nhà đầu tư có nguồn lực vốn đủ lớn để giúp cho công ty tăng trưởng mạnh mẽ”.

Để tránh sảy chân sau vòng gọi vốn thì startup phải quản trị tài chính, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, điều tiết sử dụng vốn hiệu quả, tham gia của các quỹ đầu tư trong quyết định chiến lược và phải thử sản phẩm mới và sửa sai nhanh chóng

Thành lập từ tháng 12/2011, chưa bước sang tuổi thứ 6, hoạt động tập trung ở 3 mảng chính gồm phân phối và phát hành nội dung số, trong đó có game, ứng dụng di động…; quảng cáo di động và thanh toán trên di động. Hiện, Appota đã nắm trong tay hơn 30 triệu users, trong đó, số users của Việt Nam từ 18-20 triệu, số users còn lại rải rác ở Indonesia, Mexico, Nga, Nhật hay Trung Đông.

Theo chia sẻ của ông Quang, năm 2014, Appota đã triển khai kinh doanh và phát triển ở thị trường Indonesia. Đến nay, thị trường này đã có hơn 5 triệu user. Mặc dù, Appota đã có thử tại một số thị trường Đông Nam Á nhưng chưa thành công lắm.

Tuy nhiên, đơn vị này đang có kế hoạch trong vòng 2 năm tới sẽ xây dựng nền tảng mạnh mẽ ra ngoài Đông Nam Á tập trung vào lĩnh vực thanh toán di động.

Theo báo cáo của Topica Founder Institute (TFI), năm 2016 có khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được rót vốn, giảm 25% so với năm 2015. Con số này bao gồm cả những start-up đã công bố và một số doanh nghiệp không công khai.

Dù số thương vụ rót vốn giảm nhưng tổng số tiền đầu tư vào start-up Việt lại tăng 46% so với năm trước, đạt 205 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, các start-up thuộc lĩnh vực fintech (ứng dụng tài chính) dẫn đầu với tổng số vốn huy động lên đến 129 triệu USD.

Xét tổng thể, có 30% đợt rót vốn lần đầu (seed), 40% rót vốn giai đoạn A (series A), 4% rót vốn dạng angel và 4% rót vốn giai đoạn C.

Theo ông Nhật, thông thường với mỗi startup, các nhà đầu tư nhỏ chiếm khoảng 5-7% vốn thường không ảnh hưởng trực tiếp đến startup nhưng những vòng về sau với những nhà đầu tư lớn. Họ sẽ đóng vai trò như nhà cố vấn, dành nhiều thời gian, nguồn lực tương đối để nhanh chóng tìm sản phẩm tung ra thị trường. Họ bắt đầu tham gia quản trị, quyết định chiến lược cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, kinh nghiệm của các quỹ đầu tư sẽ giúp các startup tránh được những cú sảy chân không đáng có.

“Cân nhắc giữa đầu tư sản phẩm, nâng cao tính năng, trải nghiệm cho người dùng so với việc đầu tư tiền của vào mở rộng thị trường và tăng lượng khách hàng là bài toán startup phải gặp trong suốt vòng đời của mình. Tuy nhiên, việc mâu thuẫn quyền lợi giữa nhà đầu tư và startup là hiếm gặp vì nhà đầu tư đều muốn startup thành công và tỷ lệ hoàn vốn cao gấp nhiều lần cho nhà đầu tư. Mặc dù vậy, việc mâu thuẫn không phải là không có nhưng mâu thuẫn chỉ đến ở những giai đoạn tương đối xa như sau khi startup niêm yết…”, ông Nhật nói thêm.

Theo ông Arun Kant, CEO Công ty đầu tư Leonie Hill Capital,  để tránh sảy chân, các startup Việt không nên chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam mà phải tìm hiểu mở rộng khách hàng ở thị trường thế giới bởi hiện, việc thu hút quỹ đầu tư rót vốn là không khó.

Cũng theo đánh giá của ông Kant,  Việt Nam có 4 lĩnh vực khá tiềm năng cho các startup là giáo dục trước nhu cầu  tăng chất lượng, giảm chi phí; ứng dụng mua bán xe vì  giá cả xe tại Việt Nam hiện khá  đắt đỏ khiến nhu cầu mua xe cũ tăng cao; thứ 3 là ứng dụng về logistic bởi Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đặt tại đây và thứ 4 là những ứng dụng liên quant tới thanh toán điện tử, thanh toán nội dung số trên mạng quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác