Sức khỏe doanh nghiệp
Lần đầu tiên Chủ tịch Mai Hữu Tín đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu TTF
Duy Bắc - 19/11/2022 06:26
Sau khi cổ phiếu liên tục bị bán tháo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF – sàn HoSE) đăng ký mua cổ phiếu TTF để có sở hữu tại Công ty..

Cụ thể, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu từ 0 cổ phiếu lên 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,43% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/11 đến ngày 22/12.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 18/11 là 3.780 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Tín sẽ phải bỏ ra 37,8 tỷ đồng để mua vào 10 triệu cổ phiếu TTF.

Bối cảnh đăng ký mua của vị Chủ tịch là cổ phiếu TTF liên tục bị bán tháo. Cụ thể, từ ngày 29/3 đến 15/11, cổ phiếu TTF giảm 82% từ 17.200 đồng về 3.100 đồng/cổ phiếu và sau đó hồi phục trở lại trong 3 phiên gần đây.

Theo tìm hiểu, ông Mai Hữu Tín sinh ngày 27/8/1969, trình độ Tiến sỹ Quản trị kinh doanh và được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành từ ngày 10/6/2019 tới nay. Ngoài ra, ông cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại Công ty cổ phần Đầu tư U&I.

Theo dữ liệu từ khi trở thành Chủ tịch HĐQT tại Gỗ Trường Thành tới nay, ông Mai Hữu Tín chưa đăng ký mua vào cổ phiếu TTF và đây là lần đầu tiên.

Gỗ Trường Thành thoát lỗ quý III nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác

Trong quý III/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 356,89 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2,71 tỷ đồng, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,5% về còn 20,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 0,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,53 tỷ đồng về 73,16 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 9,6%, tương ứng giảm 0,93 tỷ đồng về 8,76 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 33,1%, tương ứng giảm 9,83 tỷ đồng về 19,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 20,5%, tương ứng tăng thêm 10,36 tỷ đồng lên 61,01 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 5,45 tỷ đồng lên 4,13 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 1,32 tỷ đồng); và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 7,74 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,68 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận cốt lõi âm, Công ty thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 8,76 tỷ đồng và lợi nhuận khác là 4,13 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu tài chính, chủ yếu 7,06 tỷ đồng là lãi chênh lệch tỷ giá; 1,7 tỷ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay. Trong khi đó, Công ty không thuyết minh cơ cấu lợi nhuận khác trong báo cáo quý III.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 1.516,22 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7,21 tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù ghi nhận lãi trong 9 tháng đầu năm nhưng tới 30/9/2022, tổng lỗ lũy kế vẫn lên tới 3.039,4 tỷ đồng, bằng 73,9% vốn điều lệ.

Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty chỉ hoàn thành 9,9% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách khá xa kế hoạch lãi 72,76 tỷ đồng.

Được biết, trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn Gỗ Trường Thành tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty đã đẹp hơn rất nhiều. Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của Gỗ Trường Thành.

Hết mất cân đối cơ cấu nguồn vốn khi chuyển khoản mục người mua trả tiền trước từ ngắn hạn sang dài hạn

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tăng 7,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 212,5 tỷ đồng lên 3.050,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 737,3 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 566,8 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác đạt 391,3 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 372,8 tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 357,4 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, đầu tư tài chính dài hạn tăng 390,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 285,5 tỷ đồng lên 358,6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh xuất hiện 2 khoản đầu tư mới là sở hữu 20% vốn tại Natuzzi Singgapore Pte., Ltd, tương đương 122,6 tỷ đồng; sở hữu 19,2% vốn tại CTCP Tekcom, tương ứng 170,7 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, tính tới 30/9/2022, người mua trả tiền trước dài hạn bất ngờ ghi nhận 1.032,3 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận. Ngoài ra, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm từ 1.178,8 tỷ đồng về 379,7 tỷ đồng.

Được biết, theo thoả thuận nguyên tắc ngày 15/5/2017, Vingroup chỉ định nhóm Gỗ Trường Thành là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ thành phẩm phục vụ với giá trị dự kiến 16.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Vingroup đã ký thoả thuận đặt cọc với nhóm Gỗ Trường Thành với số tiền lần lượt là 70,4 tỷ đồng và 1.032,3 tỷ đồng.

Trong kỳ báo cáo, Công ty đã gia hạn thời gian thảo thuận đến ngày 15/5/2027 nên đã chuyển mục người trả tiền trước từ ngắn hạn sang dài hạn.

Với khoản mục như vậy, nợ ngắn hạn không còn lớn hơn tài sản ngắn hạn, Công ty không còn mất cân đối khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn như những kỳ báo cáo trước đó.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/11, cổ phiếu TTF tăng 240 đồng lên 3.780 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác