Thu nội địa tăng chủ yếu vẫn phụ thuộc nguồn thu từ đất đai |
Thu ngân sách giảm hơn 11% so với dự toán
Theo tính toán của Bộ Tài chính thì NSNN năm nay hụt thu so với dự toán 12,5% (189.200 tỷ đồng) và chỉ bằng 85,3% so với số thu năm 2019; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 20,7% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP.
Đáng lưu ý là thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước giảm 148.500 tỷ đồng so với dự toán và chỉ bằng 87,6% so với số thu năm 2019 mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động nghiêm trọng của đại dịch đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, trong công tác quản lý thu, cơ quan thuế đã tập trung tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý thu hồi nợ thuế...
Trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách khó khăn, nhưng ông Dũng cho biết vẫn phải đảm bảo nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt; tăng chi đầu tư công để giúp phục hồi nền kinh tế vì vậy, năm nay, bội chi ước khoảng 319.460 - 357.960 tỷ đồng, bằng 4,99 - 5,59% GDP; nợ công bằng khoảng 56,8 - 57,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng khoảng 50,8 - 51,4% GDP.
Năm 2021, Bộ Tài chính dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ yêu cầu duy trì thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, cùng với những khó khăn, yếu kém chậm được khắc phục từ nội tại của nền kinh tế.
Từ những nhận định này, Bộ Tài chính xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2021 chỉ tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm hơn 11% so với dự toán năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13% GDP (tương ứng 19,7% và 16,6% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh). Trong đó, thu nội địa chiếm 84,4% (năm 2020 đạt 84,3%).
Trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính dự kiến tỷ lệ bội chi năm 2021 khoảng 4% GDP điều chỉnh; nợ công 46,1% GDP, nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (ương ứng 58,6% và 53,2% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh).
Lo chuyển nguồn trong khi vẫn phải đi vay
Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Thanh Hải, cả dự toán lẫn thực hiện thu NSNN so với GDP còn thấp, không đạt mục tiêu đặt ra, đặc biệt là các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp, chưa thể hiện nguồn lực nội tại của nền kinh tế.
Đánh giá cao việc chi ngân sách nhà nước ngày càng tăng cho đầu tư phát triển, giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, song ông Hải lo ngại tình trạng giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng không đạt dự toán dẫn đến phải chuyển nguồn sang năm sau gây lãng phí nguồn lực. “Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm qua, song vẫn chưa khắc phục được. Nếu chuyển nguồn một năm thì có thể cho là khách quan, còn chuyển nguồn từ năm này sang năm khác thì cần phải xem lại đâu là nguyên nhân để tránh lãng phí nguồn lực. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính phân tích cụ thể để nâng cao chất lượng điều hành ngân sách cả chi thường xuyên và chi đầu tư, hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực tài chính, góp phần tiết kiệm ngân sách, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội”, ông Hải nhấn mạnh.
Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Mai Sỹ Diến cũng lo ngại trong khi ngân sách phải đi vay nợ thì năm nào cũng chuyển nguồn do không chi tiêu, đầu tư hết, thậm chí có năm số tiền chuyển nguồn chiếm trên 20% tổng chi ngân sách dẫn đến việc sử dụng NSNN kém hiệu quả.
Liên quan đến xây dựng dự toán, ông Diến chỉ ra thực tế là nhiều địa phương lập dự toán tăng thu nội địa rất thấp, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước trong nhiều năm qua, thậm chí có địa phương lập dự toán thu nội địa năm sau còn thấp hơn năm trước. Vì vậy, theo ông Diến, điều này cho thấy cách lập dự toán thu ngân sách như hiện nay chưa có cơ sở chắc chắn làm mất đi tính tích cực và khả năng phấn đấu phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Cũng theo ông Diến, tốc độ tăng thu nội địa thấp, ngoài hoạt động khó khăn của một bộ phận doanh nghiệp còn có tình tình trạng diễn ra phổ biến là rất nhiều doanh nghiệp hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí dẫn đến tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN.
Giao sát dự toán rất khó
Khoản thu luôn luôn vượt rất lớn là thu từ đất đai, theo ông Diến có nguyên nhân chính là các địa phương lập dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với thực tế, dẫn đến chênh lệch rất lớn giữa dự toán và thực hiện. “Vấn đề đặt ra đây là nguồn thu còn nhiều bất cập trong quản lý, là lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Đáng ra nguồn thu từ tài nguyên, đất đai cần phải tiết kiệm thì lại tăng thu rất nhiều. Đây không phải hoàn toàn là thành tích mà cần phải xem xét thận trọng, tránh tình trạng về lâu dài sẽ làm cạn kiệt nguồn thu ngân sách từ đất”, ông Diễn cảnh báo.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu ngân sách nhà nước 4 năm qua luôn vượt dự toán nhưng thu từ khu vực doanh nghiệp không đạt trong khi khu vực doanh nghiệp đóng góp 45% tổng thu NSNN hàng năm và ngày càng tăng do tỷ trọng thu từ dầu thô, khai thác tài nguyên, xuất-nhập khẩu giảm dần có nguyên nhân là giao dự toán không sát thực tế và thường quá cao so với khả năng thực hiện.
“Về thu tiền sử dụng đất, quan điểm của Bộ Tài chính là giao dự toán sát với số đăng ký của các địa phương vì đây là khoản thu của ngân sách địa phương nhưng chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc cho thuê đất, thu tiền hàng năm thay vì thu một lần. Tuy nhiên, đây là khoản thu phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản nên địa phương dự toán cũng khó sát với thực tế. Ví dụ có tỉnh đăng ký dự toán thu từ đất đai 2.500 tỷ đồng nhưng thực tế thu được 5.940 tỷ đồng, bằng 238% dự toán chủ yếu là do thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh”, ông Dũng dẫn chứng.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để giao sát dự toán cho từng địa phương thực sự rất khó khăn. Nhiều địa phương có những nguồn thu đặc thù phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như thủy điện, rượu, bia, thuốc lá, ô tô, lọc dầu... “Hơn nữa, dự toán năm sau được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện hiện hành. Nhưng số ước này thường được đưa ra từ tháng 7 năm trước vì vậy số ước cũng không sát với thực tế thực hiện cuối năm”, ông Dũng giải thích thêm.